Thursday, April 18, 2024

Hàng trăm công nhân bãi công, chống lệnh ‘siết’ giờ đi toilet


SÀI GÒN (NV)
Phải xin cấp thẻ và bị hạn chế thời gian đi toilet, ít nhất 900 công nhân công ty Shilla Bags Việt Nam đã mở cuộc đình công vào chiều ngày 12 tháng 3, 2014. Công ty này tọa lạc tại phường Thạnh Xuân, quận 12, Sài Gòn.


Báo Lao Ðộng dẫn lời đại diện công nhân cho biết, phòng vệ sinh dành cho công nhân chỉ mở cửa mỗi ngày hai lần, mỗi lần kéo dài một tiếng đồng hồ.









Cuộc bãi công của người thợ Levi Strauss ở tỉnh Ninh Bình cuối tháng 10, 2013. (Hình: báo Dân Trí)


Một thông báo chính thức của chủ công ty được dán lên tường cho biết, công nhân chỉ được phép đi tiểu hai lần: từ 9 giờ rưỡi sáng đến 10 giờ rưỡi sáng, và từ 2 giờ chiều đến 3 giờ chiều mỗi ngày. Thông báo này nói rằng ngoài giờ quy định kể trên, 10 nhà vệ sinh đặt trong công ty bị khóa cửa.


Không chỉ vậy, gần 1,000 người thợ làm việc tại công ty này phải chuyền tay nhau ba cái thẻ vào cửa, và phải ghi tên tuổi, thời gian đi tiểu tiện trong bao lâu. Có người còn nói rằng, mười nhà vệ sinh thường xuyên thiếu nước, thỉnh thoảng lại bị hỏng.


Một nữ công nhân xin được giấu tên, tâm sự: “Tụi em không dám uống nước vì sợ mắc tiểu. Hôm nào bị đau bụng thì không còn khổ nào bằng.”









Thông báo hạn chế giờ tiểu tiện tại công ty Shilla Bags dẫn đến cuộc bãi công. (Hình: báo Lao Ðộng)


Cô này còn kể chuyện, rất nhiều nữ công nhân khóc lóc xin được vào phòng vệ sinh, đặc biệt là các bà đang trong giai đoạn kinh nguyệt, nhưng người gác cửa nhà vệ sinh nhất định không cho vào. Vì lý do giản dị nêu trên, tất cả 900 công nhân làm việc tại công ty Shilla Bags đồng loạt đình công để phản đối thái độ đối xử khắc nghiệt của người chủ.


Báo Lao Ðộng dẫn lời ông Nguyễn Hùng, đại diện Liên Ðoàn Lao Ðộng quận 12 xác nhận rằng, chủ nhà máy còn áp dụng nhiều biện pháp hà khắc như phạt thẻ vàng, thẻ đỏ, trừ tiền “chuyên cần,” hạ bậc thợ… vào tiền lương hàng tháng của người thợ.


Trước đó nữa, khoảng tháng 7, 2013, bốn trăm công nhân công ty may Việt Tiến Phú, ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũng đã bãi công để phản đối chủ phạt tiền người đi vệ sinh quá bốn lần trong ngày.


Ðại diện của công ty nói rằng, phải áp dụng biện pháp kỳ quặc này để ngừa tình trạng công nhân vờ đi vệ sinh mà xao lãng công việc. Ðồng thời với quy định này, họ buộc công nhân mỗi ngày chỉ được vào phòng vệ sinh tối đa… hai lần trong một buổi.


Theo báo mạng VietNamNet, lao động Việt Nam không khác người nô lệ thời phong kiến ngày trước. Họ chỉ được trả một mức lương không đủ sống, còn bị buộc phải chấp nhận những quy định khắt khe, kỳ lạ. (PL)

MỚI CẬP NHẬT