Friday, April 19, 2024

Hệ thống ngân hàng Việt Nam thêm những dấu hiệu bất ổn

HÀ NỘI (NV)Ngân hàng Ðầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV) vừa chính thức xác nhận có hai thành viên trong Hội Ðồng Quản Trị của ngân hàng này bị khởi tố.

Cả hai (một tên là Huỳnh Nam Dũng, một tên là Nguyễn Phước Hòa) đều từng là lãnh đạo của ngân hàng Phát Triển Nhà Ðồng Bằng Sông Cửu Long (MHB), trước khi MHB được sáp nhập với BIDV và bị khởi tố vì những sai phạm khi còn làm lãnh đạo MHB.








Khai trương chi nhánh Dak Lak của MHB năm 2012. Chỉ ba năm sau hệ thống chi nhánh này bị xóa tên cùng với MHB. (Hình: nganhangonline.com)


Báo chí Việt Nam cho biết thêm là công an Việt Nam cũng đã khởi tố thêm hàng loạt cựu cán bộ, nhân viên của MHB vì liên quan tới MHB khiến MHB “hoạt động không hiệu quả.”

Vào lúc này, BIDV đang ra sức phân bua rằng ông Dũng và ông Hòa không dính dáng gì đến hoạt động của BIDV. Sở dĩ họ là thành viên Hội Ðồng Quản Trị của BIDV vì BIDV phải chấp nhận để MHB sáp nhập vào với mình theo “chỉ đạo của chính phủ”!

Kể từ khi MHB sáp nhập với BIDV (tháng 5 năm 2015) đến nay, tuy là thành viên Hội Ðồng Quản Trị của BIDV nhưng ông Dũng và ông Hòa chỉ cùng làm một loại việc là “giải quyết tiếp những tồn tại liên quan tới hoạt động của MHB trước khi sáp nhập vào BIDV”!

Tuy chính quyền Việt Nam và Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam không cho biết chi tiết về hiện trạng của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam song có nhiều dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng và có thể sụp đổ theo kiểu dây chuyền.

Năm ngoái, chỉ trong vòng năm tháng, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã tuyên bố mua lại ba ngân hàng thương mại (GP Bank – Ngân hàng Thương mại Dầu khí Toàn cầu, Ocean Bank, VNCB) với giá 0 đồng nhằm thực hiện “tái cơ cấu” hệ thống ngân hàng – thực chất là níu giữ không để ba ngân hàng này phá sản.

Chưa kể có những ngân hàng như MHB được “chính phủ chỉ đạo” phải “sáp nhập” với những ngân hàng khác như BIDV. Người ta tin rằng việc quốc hữu hóa (mua lại 100% cổ phần với giá 0 đồng) của các ngân hàng thương mại hay cưỡng bức sáp nhập là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự sụp đổ đó.

Cũng cần nhắc lại là từ năm 2014 đến nay, có rất nhiều viên chức lãnh đạo của nhiều ngân hàng thương mại (Ocean Bank, VNCB – Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, ACB, MHB,…) tại Việt Nam bị bắt giữ vì những sai phạm như: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,” “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”

Tháng 7 năm ngoái, sau khi ông Nguyễn Xuân Sơn, chủ tịch Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam) bị bắt ngay sau khi bị cách chức (ông Sơn bị cách chức ngày 19 tháng 7, ngày 20 tháng 7 vào bệnh viện cấp cứu và ngày 21 tháng 7 bị bắt tại bệnh viện) vì những sai phạm khi làm tổng giám đốc Ocean Bank, hai chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của hai ngân hàng thương mại tại Việt Nam Ngân Hàng Ðông Á (DongA Bank) và Ngân hàng Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đồng loạt xin từ chức và rút lui khỏi Hội Ðồng Quản Trị.

Vào thời điểm đó, ông Cao Sỹ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước và đang giữ vai trò chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của DongA Bank giải thích việc xin rút lui là vì “lý do cá nhân.” Còn ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị Eximbank thì nói rằng lý do xin thôi là vì “kinh doanh ngân hàng giống như đá bóng, thắng làm vua, thua làm giặc.”

Năm 2008, Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) từng cảnh báo, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam là nguy cơ tiềm ẩn cho kinh tế Việt Nam. Hoạt động chủ yếu của hệ thống này là rót tiền vào lãnh vực bất động sản. Khi thị trường bất động sản đóng băng, hệ thống này có thể tạo ra khủng hoảng tín dụng.

Cũng thời điểm đó, một số chuyên gia kinh tế khác nhận định, dù được gọi là “cổ phần” song đa số ngân hàng ở Việt Nam đều do chính quyền Việt Nam thành lập hoặc cung cấp vốn. Bởi có sự trộn lẫn giữa vốn nhà nước và vốn tư nhân, chuyện kiểm soát việc góp và sử dụng vốn lại lỏng lẻo, thậm chí có nhiều dấu hiệu đáng ngờ nên “nợ xấu” (nợ không có khả năng thu hồi cả vốn lẫn lãi) đã trở thành một vấn nạn nghiêm trọng.

Các chính sách của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam nhằm cứu hệ thống ngân hàng được xem là một trong những lý do chính khiến kinh tế Việt Nam tụt dần xuống đáy.

Trong 15 năm từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã thực hiện ba đợt “tái cơ cấu” hệ thống ngân hàng vì kinh tế Việt Nam suy thoái và tác động của kinh tế thế giới: 2000-2003 (sau khủng hoảng tài chính Châu Á), 2005-2008 (vì gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới-WTO), 2012-2015.

Các đợt “tái cơ cấu” hệ thống ngân hàng bao gồm đóng cửa một số ngân hàng thương mại, cho ngân hàng này mua lại ngân hàng khác, hợp nhất ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với công ty tài chính cổ phần, chuyển ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần vào với nhau.

Tuy nhiên, trong một báo cáo về kết quả khảo sát việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam nhận định, ba lần “tái cơ cấu” hệ thống ngân hàng cho thấy, việc quản lý hệ thống ngân hàng không ổn và đó là lý do khiến hệ thống này bất ổn, nguy hiểm cho toàn hệ thống.

Dường như đã đến thời điểm những cảnh báo trở thành sự thật. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT