Thursday, March 28, 2024

Hết ‘dịch’ sân golf đến ‘dịch’ sân bay


VIỆT NAM (NV)
Sau sân golf, các tỉnh thành Việt Nam đang đua nhau xây… sân bay. Tính đến nay đã có 9 sân bay đang hoạt động trong phạm vi 14 tỉnh miền Trung, từ Bình Thuận đến Thanh Hóa.










Sân bay Ðồng Hới vắng như chùa Bà Ðanh. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)


Ngoài các sân bay: Phú Bài (thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Ðồng Hới (thuộc tỉnh Quảng Bình)… tỉnh Thanh Hóa đang chuẩn bị khởi công xây dựng sân bay của riêng mình. Tỉnh Quảng Trị cũng đã chính thức công bố quyết định xây dựng sân bay. Còn Hà Tĩnh thì có thể đang “ngắm nghé” theo bước các tỉnh bạn đua nhau mở sân bay.


Theo báo Người Lao Ðộng, phong trào lập sân bay trên địa phận tỉnh nhà đã ồn ào nở rộ từ bốn, năm năm về trước, theo khuynh hướng “ai có gì, mình có nấy” của cán bộ lãnh đạo các địa phương.


Bất chấp tình hình kinh tế ngưng trệ, không nhiều người dân có nhu cầu đi lại bằng máy bay, chính quyền các tỉnh đua nhau chi hàng trăm tỉ đồng để xây dựng các sân bay. Kết quả là hầu hết các sân bay mới được khánh thành đều lâm vào tình trạng lỗ lã trầm trọng vì được xây dựng xong thì đìu hiu, vắng lạnh.


Cũng theo báo Người Lao động, sân bay Ðồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình được khánh thành hồi năm 2008 với tổng số vốn đầu tư lên tới 212 tỉ đồng, tương đương 10.6 triệu đô la. Sân bay này có đường băng rộng 45m, dài 2.4km, có thể làm nơi đậu cho máy bay A320 và A321.


Nhắm vào mục đích biến sân bay Ðồng Hới thành cầu nối đưa du khách khắp nơi đến với khu du lịch nổi tiếng Phong Nha-Kẽ Bàng, người ta đã thiết kế một sân bay có đủ sức tiếp đón nửa triệu hành khách mỗi năm. Thế nhưng, thực tế cho thấy, mỗi tuần chỉ có khoảng 9 chuyến bay được thực hiện, nối liền Ðồng Hới-Sài Gòn và Ðồng Hới-Hà Nội. Trong 4 năm hoạt động đã qua, số khách hàng đặt chân đến sân bay Ðồng Hới chỉ mới đạt khoảng 140,000 lượt người, chiếm 7% công suất.


Báo Người Lao Ðộng trích lời của ông Trịnh Hải Ðức, phó giám đốc Cảng Hàng Không Ðồng Hới buồn rầu cho biết, mỗi năm sân bay Ðồng Hới lỗ 60 tỉ đồng, tương đương 3 triệu đô la.


Còn Chu Lai là sân bay quân sự nổi tiếng thời chiến tranh tại địa phận tỉnh Quảng Nam cũng đã được xây dựng thành sân bay thương mại với chi phí lên tới 80 tỉ đồng, tương đương 4 triệu đô la. Tuy nhiên, sau gần 7 năm hoạt động, sân bay này lâm vào tình trạng lỗ lã triền miên.


Kỳ vọng trở thành “động lực phát triển kinh tế của hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi” tắt ngấm, các nhà lãnh đạo tỉnh này tiếp tục đổ vốn để biến sân bay Chu Lai thành “cảng hàng không quốc tế.” Tuy nhiên, vì hành khách đi và đến tiếp tục thưa thớt, tính ra mỗi năm sân bay này lỗ xấp xỉ 6-7 tỉ đồng, tương đương 350,000 đô.


Trong khi đó, sân bay Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên cũng lỗ nặng sau khi đã ngốn hết 290 tỉ đồng, tương đương gần 15 triệu đô đầu tư xây dựng.


Mới đây, chủ tịch tỉnh Phú Yên Phạm Ðình Cự thú nhận với báo Người Lao Ðộng rằng cho đến nay vẫn chưa tìm ra được câu giải đáp cho bài toán: “Tìm đâu ra khách hàng?”


Dư luận còn cho biết, chính quyền các tỉnh miền Nam cũng đang lăm le ý định mở sân bay. Tỉnh An Giang muốn có một sân bay cho riêng mình bất chấp việc sân bay “quốc tế” Cần Thơ hiện nay lèo tèo mỗi ngày hai chuyến xuống-lên.


Ðổ tiền xây sân bay để lâm vào tình trạng lỗ lã không khác việc đổ tiền xây sân golf thời gian qua.


Tại Sài Gòn, địa phận có đến 7 sân golf trong đó có sân golf Hoa Việt đang hoạt động mạnh nhất hiện nay, chính quyền kêu gào thua lỗ triền miên.


Sở Kế Hoạch-Ðầu Tư Sài Gòn thú nhận đã chi tiền tỉ để thu lại… bạc cắc. Trong khoảng 13 năm, từ 1994 cho đến năm 2007, các sân golf ở Sài Gòn lỗ tổng cộng 17 tỉ đồng, tương đương 850,000 đô.


Năm rồi, 300 công nhân sân golf tại tỉnh Bình Dương cũng đã đình công để đòi cải thiện điều kiện làm việc. (PL)

MỚI CẬP NHẬT