Friday, April 19, 2024

Hoa Kỳ tăng viện trợ để bảo vệ an ninh ở Biển Đông


WASHINGTON (NV) – Hoa Kỳ vừa loan báo sẽ viện trợ cho Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Indonesia $100 triệu để nâng cao năng lực bảo vệ an ninh hàng hải ở Biển Đông.





Ông William Brownfield tuyên bố Hoa Kỳ viện trợ $100 triệu cho
bốn quốc gia ASEAN. (Hình: Guillermo Legaria/AFP/Getty Images)


Năm 2013, ngoại trưởng Hoa Kỳ từng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ chi $25 triệu để hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á nâng cao năng lực bảo vệ an ninh hang hải ở Biển Đông. Nay, mức viện trợ đã được nâng lên bốn lần so với cam kết vừa kể.


Tuy ba trong bốn quốc gia được viện trợ là Việt Nam, Philippines, Malaysia nằm trong nhóm các quốc gia đang có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông nhưng ông William Brownfield, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ, giải thích việc tăng viện trợ chỉ nhằm giúp bốn quốc gia này nâng cao khả năng thực thi luật pháp trên biển chứ không liên quan đến vấn đề chủ quyền tại Biển Đông.


Ông Brownfield xác nhận, Hoa Kỳ hiểu một cách rõ ràng rằng tại khu vực Đông Nam Á hiện còn có những vấn đề khác nhưng mục tiêu của gói viện trợ vừa kể chỉ tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao khả năng thực thi luật pháp trên biển.


Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh, việc hỗ trợ nâng cao khả năng thực thi luật pháp trên biển cho Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia là một sáng kiến. Sáng kiến đó hoàn toàn minh bạch, không có gì khuất tất.


Cách nay một tuần, ông Brownfield từng đến thăm Việt Nam, Philippines và Indonesia. Khi loan báo tin tăng viện trợ cho bốn quốc gia Đông Nam Á, ông Brownfield nói thêm, nếu một quốc gia có đủ khả năng thực thi luật pháp trên biển thì quốc gia đó sẽ đủ khả năng để giải quyết những vấn đề khác. Tuy nhiên khả năng để giải quyết những vấn đề khác không nằm trong mục đích tăng viện trợ của Hoa Kỳ.


Kể từ khi Trung Quốc liên tục đưa ra những tuyên bố và thực hiện những hành động khiến cộng đồng quốc tế lo ngại Trung Quốc sẽ độc chiếm Biển Đông. Tuần tra trên Biển Đông để bảo vệ an ninh biển tại khu vực này và bảo vệ quyền tự do lưu thông đã trở thành một “phong trào.”


Ngoài Hoa Kỳ và Nhật, hồi tháng 7 vừa qua, sau khi có tin Trung Quốc đem pháo tự hành đến đặt tại một hòn đảo nhân tạo trong chuỗi đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa, Úc cũng tuyên bố sẽ gửi chiến hạm và phi cơ đến tuần tra tại Biển Đông, nhằm khẳng định nỗ lực bảo vệ tự do hàng không và tự do hàng hải tại Biển Đông của Úc.


Ấn Độ cũng đã công bố dự định gửi chiến hạm đến Biển Đông để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, thậm chí còn xác định quyền tự do hàng hải và hàng không tại biển Đông là lợi ích chiến lược của Ấn Độ.


Trước đó, vào tháng 6, Singapore từng loan báo, ba quốc gia thành viên của ASEAN là Singapore, Indonesia, Malaysia dự định sẽ phối hợp tuần tra chung tại Biển Đông để “ngăn ngừa cướp biển,” bảo vệ an ninh tại Biển Đông.


“Phong trào” tuần tra tại Biển Đông còn được hỗ trợ bởi các kế hoạch viện trợ của Hoa Kỳ và Nhật nhằm giúp các quốc gia Đông Nam Á nâng cao khả năng thực thi luật pháp trên biển.


Đầu tháng 8 năm nay, Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh Sát Biển 2 ở Đà Nẵng tổ chức lễ tiếp nhận tàu CSB 6001 (vốn là tàu đánh cá Syokaku được cải biến) mà chính phủ Nhật viện trợ cho Việt Nam.


Đây là chiếc tàu đầu tiên trong số ba tàu đã qua sử dụng mà Nhật tuyên bố viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. (G.Đ.)

MỚI CẬP NHẬT