Friday, March 29, 2024

Kêu gọi Cambodia ngưng việc trả người thiểu số về Việt Nam


TÂY NGUYÊN (NV) – Đó là khuyến nghị của hàng chục tổ chức bảo vệ nhân quyền. Những tổ chức này đã cùng ký tên vào một thư ngỏ, yêu cầu Cambodia tuân thủ Công Ước về người tị nạn.




Một nhóm người thiểu số chờ tiếp xúc với đại diện của UNHCR
ở Bangkok, Thái Lan. (Hình: DR)


Những tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch, Amnesty International,… cảnh báo cộng đồng quốc tế rằng, đa số trong số hơn một trăm người thiểu số từ Việt Nam trốn sang Cambodia là những tín đồ Thiên Chúa Giáo, bị chính quyền Việt Nam ngược đãi, truy bức. Cũng vì vậy, Cambodia không thể bác đơn xin tị nạn của họ.


Các tổ chức bảo vệ nhân quyền này còn tố cáo, một mặt, Cambodia nhờ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) hỗ trợ để trả hàng trăm người thiểu số cho Việt Nam, mặt khác lại thản nhiên nhận 40 triệu Mỹ kim của Úc để “đón tiếp người tị nạn.”


Hồi giữa tháng trước, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế bắt đầu lên tiếng chỉ trích Cambodia kịch liệt, sau khi ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội Vụ Cambodia loan báo, Cambodia chỉ công nhận 13 người thiểu số cư trú tại Tây Nguyên, trốn từ Việt Nam sang Cambodia là tị nạn chính trị.


Khoảng 200 người thiểu số còn lại, từng từ khu vực Tây Nguyên ở Việt Nam trốn sang Cambodia, bị chính quyền Cambodia xác định là nhập cảnh bất hợp pháp đã bị yêu cầu phải hồi hương trong vòng ba tháng, nếu không chính quyền Cambodia sẽ trục xuất họ.


Từ năm 2001 đến nay, Cambodia vẫn là nơi mà nhiều người thiểu số cư trú ở Tây Nguyên chạy sang lánh nạn do bị chính quyền Việt Nam đàn áp chỉ vì họ là tín đồ Thiên Chúa Giáo hoặc tham gia các cuộc tranh đấu đòi quyền sống.


Trong khi đó thì chính quyền Cambodia tìm đủ cách để ngăn chặn họ đến Phnom Penh tiếp xúc với đại diện của UNHCR. Cũng vì vậy, người thiểu số tìm đường tị nạn phải ẩn náu trong các khu rừng tại tỉnh Ratanakiri để chờ cơ hội song rất ít người gặp may.


Chỉ từ tháng 10 năm ngoái đến nay, chính quyền Cambodia đã từng trục xuất khoảng 50 người thiểu số từ Việt Nam trốn sang Cambodia xin tị nạn chính trị.


Trong quá khứ, năm 2005, “tự nguyện hồi hương” từng được chọn làm giải pháp đối với làn sóng người thiểu số từ Việt Nam trốn sang Cambodia tìm đường tị nạn và giải pháp đó đã bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền chỉ trích kịch liệt vì thỏa thuận “tự nguyện hồi hương” bị lợi dụng để “cưỡng ép hồi hương” và không có biện pháp hữu hiệu bảo vệ người hồi hương.


Các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi chính quyền Cambodia thực hiện các bổn phận đã được xác định trong Công ước về người tị nạn mà Cambodia đã ký và cam kết thi hành, đó là bảo vệ người xin tỵ nạn và ngưng tiếp tay cho chính quyền Việt Nam đàn áp người tị nạn song chính quyền Cambodia không đáp ứng.


Lúc đó, đại diện Human Rights Watch từng tuyên bố, quyết định của Cambodia đã “gây công phẫn” vì Cambodia đã không chu toàn các nghĩa vụ do luật pháp quốc tế ấn định và vì vậy, cộng đồng quốc tế cần phải gây áp lực để Cambodia thay đổi chính sách bất nhân này. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT