Friday, March 29, 2024

Khi các lãnh đạo Việt Nam hô hào ‘lột xác’


Nam Phương/Người Việt


 


HÀ NỘI (NV) – Hôm 2 tháng 1, 2012, Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) và nhiều báo chính thống của nhà nước phổ biến một bài viết dài ký tên Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam.



Hô hào đổi mới nhưng ngay ở thủ đô Hà Nội, người dân vẫn phải bám vào ít rau, củ, quả bán lấy ít tiền sống qua ngày. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)


Nội dung bài viết với lời hô hào “Hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng XHCN” hoặc “Ðặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới”.


Hai ngày trước đó, tức ngày 31 tháng 12, 2011, đọc diễn văn bế mạc hội nghị lần 4 của ban chấp hành trung ương đảng khóa XI sau 6 ngày họp, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng hô hào chỉnh đốn đảng: “Khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần đổi mới.”


“…Cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại” – Ông Trọng kêu gọi những người ở trung ương, từ cao xuống thấp phải “nhìn lại mình”.


Vẫn đổ tội cho “các thế lực thù địch” gây cản trở cho cái chế độ độc tài đảng trị, ông Trọng nói: “Chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo đảng ta, nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối chính trị của đảng, kích động chia rẽ nội bộ đảng, chia rẽ đảng, nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm.”


Rồi ông cảnh cáo đảng viên: “Trong tình hình ấy, nếu đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên.”


Các cuộc cách mạng lật đổ các chế độ độc tài ở Bắc Phi, các áp lực đòi thay đổi của quần chúng trong nước tuy còn quá nhỏ bé nhưng cũng đang là những yếu tố thúc đẩy chế độ Hà Nội phải lập kế hoạch chận trước.


Sang đầu năm mới, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài viết tập trung vào tuyên truyền về tương lai một nước Việt Nam “vượt qua sức ỳ” để “đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới – Quỹ đạo phát triển bền vững.”


Bài viết này tuy ký tên là Nguyễn Tấn Dũng, nhưng nhiều phần không phải là khả năng chữ nghĩa Nguyễn Tấn Dũng, mà là từ một bộ phận chuyên viết diễn văn, bài viết cho các lãnh tụ của chế độ.


Nó có lối viết phân tích, nhận định quen thuộc của văn phong viết bình luận trong cách trình bày vấn đề “một là, hai là…”


Bài viết trình bày các nhược điểm của nền kinh tế Việt Nam từng bị giới chuyên gia kinh tế quốc tế khuyến cáo phải thay đổi suốt nhiều năm qua nhưng “sức ỳ” của hệ thống, lợi ích phe nhóm, nạn tham nhũng đã trì kéo nó lại.


Từ đầu thập niên 2000, nhiều nhà bình luận kinh tế quốc tế thấy có những thay đổi trong đường lối điều hành kinh tế, họ đã dự báo Việt Nam là một con hổ Á Châu đang vươn vai đứng lên.


Nhưng, cho đến nay, sau hơn 25 năm “đổi mới” con hổ Việt Nam vẫn chỉ là con hổ con còi cọc không lớn nổi trong khi Singapore, Ðài Loan, Ðại Hàn, Thái Lan, Mã Lai tiến những bước thật dài. Ðại Hàn, Singapore, Ðài Loan là những con hổ thật sự.


Lạm phát tại Việt Nam năm 2011 là 18.58%. Năm 2008 lạm phát tới 22.76%. Từ năm 2009 đến 2011, Việt Nam đã phải phá giá đồng bạc 4 lần.


Nhược điểm của nền kinh tế Việt Nam là chủ trương “tăng trưởng bằng mòi giá” bất chấp lạm phát và sự khốn đốn của đại đa số quần chúng. Bị áp lực từ các định chế cấp phát tín dụng quốc tế, trong bài viết ngày 2 tháng 1 năm 2012, Nguyễn Tấn Dũng hô hào “tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.


Trong tất cả các cuộc họp cấp viện hàng năm, các quan chức cầm đầu chế độ Hà Nội nghe đầy lỗ tai các lời chỉ trích từ chính sách sai lầm đến tham nhũng. Họ đều hứa hẹn, cam kết thay đổi rồi đâu vẫn vào đấy sau các cuộc họp.


Những lời hô hào của ông Dũng “Một là, tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ”, “hai là, tái cơ cấu doanh nghiệp”, “ba là, điều chỉnh chiến lược thị trường”… không phải là những cái mới được nói đến lần đầu.


Trước các vấn nạn của nền kinh tế với lạm phát cao, thâm thủng mậu dịch, đồng tiền mất giá, dự trữ ngoại tệ xuống tới mức nguy hiểm, giới chuyên gia kinh tế cho rằng các biện pháp đối phó của Hà Nội chỉ là những giải pháp chắp vá chữa bệnh đằng ngọn.


“Con cọp Á Châu này đang vất vả với lạm phát và tham nhũng.” Tác giả Geoffrey Cain viết trên GlobalPost.com ngày 19 tháng 10, 2011.


“Nếu nhà cầm quyền Hà Nội thật sự nghiêm chỉnh muốn làm sống lại niềm lạc quan đang chết dần (của giới đầu tư ngoại quốc) họ phải kềm chế các công ty quốc doanh (lãi giả lỗ thật). Chính các công ty này đã làm cho lạm phát tăng cao nhất Á Châu, nhấn chìm các công ty tư nhân có khả năng cạnh tranh tốt hơn (trong tiến trình phát triển kinh tế).”


Năm 2000, dân số Việt Nam là 76 triệu người, lợi tức trung bình chỉ có $360 USD mỗi đầu người. Năm 2011, dân số tăng lên thành 87 triệu người. Theo ông Ayumi Konishi, giám đốc Ngân Hàng Phát Triển Á Châu tại Việt Nam, lợi tức trung bình của người Việt Nam đạt khoảng $1,200 USD, qua một bản tin trên báo Thanh Niên ngày 3 tháng 5, 2011. Nhưng khoảng cách giầu nghèo giữa tầng lớp thống trị và đại đa số quần chúng quá cách biệt. Hàng triệu người vẫn phải được phát gạo cứu đói mỗi năm.


Ông Nguyễn Tấn Dũng hô hào đưa đất nước vào “Quỹ đạo phát triển bền vững”.


Nhưng liệu có bền vững được không, khi trước đó ít lâu, ngày 1 tháng 5 năm 2011, Ðài Tiếng Nói Việt Nam tường thuật một cuộc họp của trung ương đảng nói rằng “Tham nhũng vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp”.

MỚI CẬP NHẬT