Thursday, March 28, 2024

Khoảng 72,000 cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam thất nghiệp


VIỆT NAM (NV)
Phúc trình của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội Việt Nam công bố hôm 21 tháng 3, 2014 cho hay, có đến 72,000 cử nhân, thạc sĩ ở Việt Nam bị thất nghiệp, tăng gấp 1.7 lần so với cuối năm 2012.


VNExpress dẫn nội dung bản tin này nói rằng, tính đến cuối quý 4 năm 2013, số người bị thất nghiệp tại Việt Nam vào khoảng 900,000 người, chiếm 1.9% dân số trong độ tuổi lao động, tăng 48,000 người so với năm trước. Con số này không nhiều, so với tình hình chung của các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, theo bản tin trên, điều đáng nói là tỉ lệ thất nghiệp ở người có trình độ học vấn và chuyên môn lại rất cao.









Các cựu giám đốc công ty tư nhân lận đận trên đường tìm việc. (Hình: VNExpress)


Bản tin trên cho biết, người có trình độ chuyên môn bị thất nghiệp chiếm tới 4.25% con số 900,000 người chưa tìm được việc làm hiện nay, tăng l.7 lần so với cùng giai đoạn của năm 2012. Cũng theo VNExpress, số thanh niên trong độ tuổi từ 20 đến 24, tốt nghiệp cao đẳng và đại học trở lên bị thất nghiệp, chiếm gần 21%.


Báo mạng VNExpress còn xác định rằng, số việc làm từ năm 2013 đến nay có khuynh hướng giảm, trong khi người tốt nghiệp đại học hầu như tăng đều mỗi năm. Bản tin của Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội còn cho biết, càng xuôi về nông thôn càng khó kiếm việc làm. Vì vậy, người trong độ tuổi lao động có khuynh hướng “dạt” về thành phố để tìm kế mưu sinh.


VNExpress dẫn lời bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc điều hành công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search nói rằng, phần lớn các giám đốc công ty tư nhân bị phá sản, đi tìm việc làm không hề dễ dàng. Theo bà, tình hình kinh tế Việt Nam tiếp tục suy sụp nên cơ hội việc làm không nhiều.


Cựu nhân viên quản trị của một công ty lớn làm việc suốt 6 năm, có một bề dầy kinh nghiệm, nói đã đi tìm việc từ hai năm nay, nhưng không thành công. Ông tên Lương, cho biết: “Lương thấp, không đủ nuôi thân là lý do khiến tôi từ chối làm việc ở một số đơn vị. Tôi định mở cửa hàng kinh doanh, nhưng buôn bán trong lúc này không phải dễ.”


Một trong những ví dụ về nỗi khó của các cựu giám đốc công ty tư nhân là ông Dương, 43 tuổi, cư dân quận Ðống Ða, Hà Nội. Ông Dương cho biết, đã tốt nghiệp đại học, làm giám đốc công ty xây dựng, cuối cùng đành phải làm công nhân lột vỏ tôm ở một công ty chế biến thủy sản. Trước Tết rồi, bị công ty quịt mấy tháng lương, ông buộc lòng phải xin nghỉ việc, rồi ngồi nhà cho đến nay. (PL)

MỚI CẬP NHẬT