Friday, March 29, 2024

Không khí ở Việt Nam thuộc hàng ‘bẩn nhất thế giới’

 


VIỆT NAM (NV) Phúc trình mới nhất của một tổ chức quốc tế cho hay, Việt Nam đứng hàng thứ 123 trong tổng số 132 quốc gia về ô nhiễm không khí. Theo kết quả này, Việt Nam “lọt vào top 10 quốc gia có không khí bẩn nhất thế giới.”


Cuộc khảo sát do các trung tâm nghiên cứu môi sinh thuộc trường Ðại Học Yale và Columbia của Hoa Kỳ thực hiện.







Không khí bẩn quá sức tưởng tượng tại Việt Nam. (Hình: Báo VNExpress)


Theo báo mạng VNExpress, kết quả này được công bố từ chỉ số nồng độ ô nhiễm không khí được vệ tinh đo tính, căn cứ vào phẩm chất không khí, nước, sự biến đổi đột ngột của khí hậu, nạn phá rừng và tác động của môi sinh đối với sức khỏe của con người…


Riêng về chỉ số không khí, Việt Nam lọt vào danh sách mười quốc gia có “không khí bẩn nhất thế giới” cùng với Ấn Ðộ, Trung Quốc, Pakistan, Nepal, Bangladesh…


Báo mạng VNExpress cho biết, quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số không khí sạch là Thụy Sĩ. Còn quốc gia đứng đầu khu vực Ðông Nam Á trong lĩnh vực này là Malaysia.


Theo các nhà chuyên môn, không khí bẩn đã gây nhiều loại bệnh về đường hô hấp và cả tai, mũi, họng, mắt… cho người dân. Ðặc biệt tại Việt Nam, khí thải từ các nhà máy kỹ nghệ và tình trạng bụi bẩn nồng nặc trên đường phố là nguy cơ gây nên bệnh phổi cho con người. Ðó là chưa kể khí thải từ hàng ngàn chiếc xe lưu thông trên đường phố tại các thành phố lớn ở Việt Nam chứa đầy hóa chất độc hại gây ô nhiễm không khí.








Người dân đeo khẩu trang tại Việt Nam chỉ là một cách tự làm cho mình yên tâm, chứ không ngăn được việc hít không khí bẩn. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)


Cũng theo báo Tuổi Trẻ, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ước tính mỗi năm có 2 triệu người trên thế giới chết vì hít phải những hạt bụi trong không khí ô nhiễm, nhiều gấp 15 lần so với tiêu chuẩn của WHO đưa ra.


Riêng tại Việt Nam, sự hiện diện của 35 triệu chiếc xe chiếm đến 70% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.


Bộ Môi Sinh Nhật Bản nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm tại Việt Nam nói rằng tình hình tồi tệ này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015 với số lượng xe gắn máy và ô tô gia tăng liên tiếp hàng năm. (PL)

MỚI CẬP NHẬT