Thursday, March 28, 2024

Kỹ nghệ xe hơi của Việt Nam thua cả Cambodia

HÀ NỘI (NV) Ngành chế tạo xe hơi tại Việt Nam trong 20 năm qua vẫn chỉ đơn thuần là lắp ráp, thua cả Cambodia, và sắp tới đây, việc lắp ráp có thể cũng không còn, một khi các hãng xe hơi chuyển sang nhập cảng.


Theo tờ Người Lao Ðộng, vào ngày 2 tháng 4, dẫn lời ông Yoshihisa Maruta, tổng giám đốc Toyota Việt Nam tại cuộc họp báo công bố “Thành tựu năm 2014 và kế hoạch năm 2015” của hãng tại Hà Nội, cho tới hiện nay, Toyota Việt Nam vẫn chưa có quyết định về việc có nên tiếp tục sản xuất tại Việt Nam hay không, dù đây là thời điểm buộc hãng phải dứt khoát.








Nhiều hãng sản xuất xe hơi có khả năng dẹp luôn nhà máy lắp ráp xe ở Việt Nam. (Hình: Người Lao Ðộng)


Giải thích việc này, ông Maruta cho biết, Việt Nam không phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, chỉ đạt từ 10-30% tùy theo dòng xe và các linh kiện được sản xuất chủ yếu là các loại phụ tùng đơn giản giá trị thấp. Vì vậy, nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, gỡ ra rồi lại lắp vào, trong khi thuế nhập cảng trong khối ASEAN sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018.


“Toyota có tiếp tục sản xuất hay không thì còn phải đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể. Nếu các cơ quan chức năng Việt Nam không có động thái cụ thể nào trong thời gian sớm nhất, thì tất cả các nhà sản xuất xe hơi sẽ gặp khó khăn,” ông Maruta nói.


Không chỉ riêng hãng Toyota, nhiều hãng xe khác như Ford, Mazda, Honda… trong Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Xe Hơi Việt Nam (VAMA) cũng chưa quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập cảng. Cách đây không lâu, hãng Hyundai của Hàn Quốc hy vọng sẽ đầu tư vào Việt Nam nhưng rồi đã tuyên bố tập trung cho sản xuất tại Malaysia.


Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thương Mại nhận xét: “Chiến lược quy hoạch và phát triển xe hơi ở Việt Nam từ trước đến nay đều không có quy hoạch rõ ràng, không được quan tâm. Nhà nước chỉ quan tâm đến những chiến lược trên trời-dưới biển. Ðáng lẽ ra, nếu muốn sản xuất xe hơi thì phải nắm bắt được khoa học công nghệ, trình độ kỹ thuật tiên tiến, nhưng ở đây doanh nghiệp nào cũng chỉ lắp ráp kiếm lời trước mắt, nên Việt Nam mãi chỉ là thị trường tiêu thụ, giỏi lắp ráp,” ông Nam nói.


Tương tự, ông Bùi Ngọc Sơn, trưởng phòng Kinh Tế Quốc Tế, Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Trị Thế Giới tỏ vẻ thất vọng: “Công nghiệp xe hơi Việt Nam đi trước Cambodia cả mấy chục năm, nhưng trong 20 năm phát triển, Việt Nam vẫn là lắp ráp, gia công trong khi Cambodia đã tự sản xuất được xe hơi. Tức là họ làm có chủ đích, có ý đồ để vươn tới làm chủ công nghệ, khẳng định vị thế trong khi Việt Nam chỉ quan tâm tới GDP và tiền bạc.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT