Wednesday, April 24, 2024

Lạm phát tại Việt Nam vẫn tăng nhưng chậm lại


HÀ NỘI (NV) –
Lạm phát tại Việt Nam chậm lại phần nào, theo bản thống kê của Tổng Cục Thống Kê Việt Nam. Chỉ số giá tiêu thụ tăng 16.44% trong Tháng Hai 2012 so với một năm trước, Tổng Cục Thống Kê loan báo như vậy.









Một phụ nữ bán hàng rong ngay trên chiếc xe đạp của mình ở trung tâm thủ đô Hà Nội. Tin cho hay lạm phát chậm lại nhưng có nhiều yếu tố bất định như giá xăng dầu thế giới, giá than gia tăng có thể ảnh hưởng nhiều đến lạm phát tại Việt Nam. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)


Trong khi đó, đầu tư ngoại quốc trực tiếp vào Việt Nam cũng giảm mất 54.5%, chỉ đạt cam kết $1.23 tỉ USD cho hai tháng đầu năm nay so với cùng thời gian này của năm ngoái, theo phúc trình của cục đầu tư ngoại quốc thuộc Bộ Kế Hoạch và Ðầu Tư Việt Nam.


Nhìn thấy lạm phát chậm lại, Ngân Hàng Nhà Nước đã bắn tiếng từ tháng trước là sẽ giảm lãi suất tín dụng ở mức “phù hợp”. Trước sự hối thúc của các định chế tài trợ quốc tế, năm ngoái, Hà Nội ra nghị quyết số 11 nêu một số chương trình chống lạm phát gồm ngăn chặn tăng trưởng tín dụng bừa bãi, ổn định trị giá đồng bạc.


Theo một chuyên viên kinh tế ở Ngân hàng HSBC tại Hongkong, có thể nhà cầm quyền Hà Nội sẽ cho lệnh cắt giảm lãi suất vào cuối quý một sang đầu quý hai năm nay.


Dù lạm phát tăng chậm lại, Việt Nam vẫn là nước có tỉ lệ lạm phát cao nhất tại Á Châu. Lạm phát Tháng Hai gia tăng 1.37% so với Tháng Giêng 2012.


“Sự đe dọa trực tiếp với viễn ảnh lạm phát của Việt Nam vẫn trong mức độ trung bình, nhưng có một yếu tố mới xuất hiện gần đây là giá xăng dầu lên cao hơn.” Tai Hui, kinh tế gia trưởng của chi nhánh ngân hàng đầu tư Standard Chartered tại Singapore, phát biểu. Ông cũng tin rằng Hà Nội sẽ cắt lãi suất ở cuối quý một nhưng có thể trì hoãn sang đầu quý hai nếu áp lực về giá cả gia tăng vẫn cao.


Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nhiều lần khuyến cáo Hà Nội cần đề cao cảnh giác và không nên nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm để có thể đối phó với lạm phát.


Trong khi giá xăng dầu thế giới leo thang mạnh mẽ thời gian gần đây, các công ty nhập khẩu quốc doanh phải mua vào với giá cao hơn nhưng Hà Nội không giám tăng giá theo thị trường vì sợ lạm phát phóng theo. Chính vì vậy, ngày 21 tháng 2 năm 2012, VNExpress loan tin Bộ Tài Chính Hà Nội ra văn bản “cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng”. Trong khi đó, thuế suất đối với dầu diesel cũng được điều chỉnh từ mức 5% xuống 3%.


Theo thông tư số 25/2012 vừa được Bộ Tài Chính ban hành, thuế suất đối với hầu hết các mặt hàng xăng dầu nhập khẩu đều được điều chỉnh theo hướng giảm kể từ ngày 21 tháng 2. Cụ thể, các mặt hàng xăng động cơ nhập khẩu (bao gồm cả xăng pha chì, không pha chì, xăng máy bay…) sẽ được áp thuế 0%, thay vì mức 4% vốn được áp dụng từ đầu năm 2012.”


Nói khác, xăng dầu tại Việt Nam đang được nhà nước trợ giá bằng cách miễn thuế. Trong khi đó, cũng đang có những bàn tính “cân nhắc điều chỉnh giá bán than cho điện”.


Nếu giá xăng và giá than tăng ở “đầu vào”, hệ thống điện quốc doanh khó lòng giữ giá điện mà không tăng. Vật giá sẽ leo thang vùn vụt.


Năm 2011, lạm phát trung bình cả năm là 18.12%. Nhà cầm quyền trung ương dự tính kéo lạm phát xuống “một chữ số” năm nay trong nhiều khó khăn bất trắc. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT