Thursday, March 28, 2024

Lui ghe, người bán hoa kiểng buồn


Trần Tiến Dũng/Người Việt



SÀI GÒN – Chiều ngày cuối năm, ở một điểm bán hoa kiểng nổi tiếng trên đường Thành Thái quận 10.  Những chậu bông mồng gà đỏ rực từ miệt Sa Đéc chỉ có giá hai chục ngàn đồng. Một anh thanh niên mua một lúc bốn chậu, có người hỏi anh mua làm gì nhiều vậy. Anh cười rạng rỡ cả gương mặt, anh nói. Từ sáng đến giờ tôi mua cả chục chậu rồi, mua để ủng hộ mấy bác nông dân, vậy thôi. Ít ra họ cũng có chút tiền mua kẹo bánh về quê ăn tết.”



Người bán hoa kiểng ở bến Bình Đông chuẩn bị lui ghe. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Tấm lòng của người thanh niên là vậy, nhưng ngược lại cũng có một nhóm phụ nữ , ăn mặc đàng hoàng, họ trả giá bằng giọng Bắc rất rát, bà bán hoa người Sa Đéc mặt buồn rười rượi lắc đầu. “ Rẻ rề rồi, trả giá thêm nữa tội nghiệp lắm mấy cô ơi.” Một người trong nhóm trả giá nói. “Bà không bán, chút nữa phường lại hốt, thế là chúng tôi mang về, chả tốn đồng nào.” Những người đứng quanh tưởng mấy người đàn bà nói chơi. Ai ngờ họ dựng những chiếc xe gắn máy đắt tiền lên vỉa hè rồi cùng chờ hốt hoa của người bị đuổi.


Loại hoa được người Sài Gòn ưa chuộng nhất là hoa mai, năm nay cũng bán thất bê bết. Tuy nhiên vẫn còn thấy giới tư sản đỏ bỏ trăm hoặc chục triệu đồng mua một gốc mai cổ thụ. Riêng loại mai có giá vài triệu, vài trăm ngàn thì cứ tràn ra đường mà nở tét bét cũng chẳng mấy người mua. Một ông già đạp xe đạp lửng thững quanh các điểm bán hoa mai nói. “ Tôi chỉ đi coi cho đã con mắt thôi. Năm nay làm ăn chết ngắt, con cháu tui nó khuyên phải dành tiền hộ thân. Anh coi, đáng lý ra người già lo xa mới phải, đằng này sống khó khăn đến mức tụi nó cũng sợ hết hồn.”


Từ điểm bán hoa kiểng ở khu trung tâm Sài Gòn cho đến các quận, huyện, đâu đâu cũng thấy cảnh người mua lưa thưa. Ở Khu bán hoa đào cạnh phi trường Tân Sơn Nhật càng buồn tẻ hơn. Nhìn những cành đào được đưa vào từ Hà Nội, Đà Lạt đang trùm bao ni lon để tránh những cơn mưa trái mùa Sài Gòn ai cũng thấy chạnh lòng.



Nỗi thất vọng của người nông dân trẻ bán hoa mai. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Trở lại bến Bình Đông, con đường cặp bến sông chật ních người, xe. Đa số người đến đây săn hoa kiểng giá rẻ. Nhìn những điểm bán còn cơ man nào là hoa kiểng. Việc hoa kiểng ế  khiến vẻ mặt của kẻ đi săn hớn hở.


Chị Tư, người Cái Mơn, Bến Tre nói. “ Năm nay bán thất lắm, mọi năm chừng mười giờ là tui đã lui ghe. Năm nay ở lại bán tới tám chín giờ tối coi sao.” Khi được hỏi là chừng nào mới về đến nhà ăn tết, chị cho biết phải đến ngày mùng một mới về tới nhà. Nhìn những chậu tắc (quất) của chị còn ê hề trên bến sông. Chúng tôi hỏi, chở tắc về có trồng lại được không. Chị nói. “ Cây cảnh, bonsai còn trồng lại chờ sang năm, còn tắc em cũng hỏng biết phải làm gì.”


Không tính chuyện công sức và tiền của vợ chồng chị Tư bỏ ra cả năm để trồng hoa kiểng. Để thuê mặt bắng một điểm bán trên bờ sông này, vợ chồng chị phải trả cho chính quyền quận 8 khoảng bốn triệu rưởi, rồi tiền dầu chạy ghe, tiền ăn uống…


Chồng chị tư nói. “Tết năm nay tụi tui sặc máu rồi anh ơi” Đứng cạnh chúng tôi là một người đàn ông tuổi trung niên. Ông cho biết năm nào ông cũng đến đây vào giờ cuối để săn hoa kiểng rẻ. Ông quay sang hỏi giá một chậu kiểng cần thăng nhỏ. Chị tư nói giá năm mươi ngàn. Ông trả  ba mươi ngàn. Chị tư nói. “Chậu kiểng cỡ này năm ngoái đã bảy chục ngàn, năm nay vật giá lên đùng đùng vậy mà nỡ lòng nào trả giá rẻ vậy, thêm hai chục ngàn có được cái cây đẹp cũng chưa bằng một tô hủ tíu bình dân mà.” Người đàn ông lạnh lùng bỏ đi.”


Trước khi ánh trời chiều ngày cuối cùng của năm tắt hẳn trên dòng kênh nước đen của bến Bình Đông này, không có thể tính được số lượng hoa kiểng ế. Người ta chỉ biết ít giờ nữa những người công nhân sở vệ sinh phải làm việc cất lực để hốt sạch những đống rác cây kiểng vốn là tài sản bằng mồ hôi và nước mắt của những người nông dân.


Nhìn những chiếc ghe bầu tấp vào bờ kênh chờ đưa về quê những chậu cây cảnh có thể vớt vát cho mùa sau. Người ta có thể tự hỏi là. Tại sao cả một bộ máy quản lý kinh tế đồ sộ của chính quyền lại không hề đưa ra thông tin về mức tiêu thụ của  thị trường hoa kiểng tết để giúp người nông dân khỏi phải lâm vào cảnh lui nghe trong nước mắt. Rồi đây, trên suốt những tuyến đường sông về nhà trong đêm giao thừa, cũng không ai hay biết trong số những nông dân này ai sẽ có một năm mới trong nợ nần và nghèo đói.

MỚI CẬP NHẬT