Thursday, March 28, 2024

Mồng Một Tết ở miền Trung


Phi Hùng/Người Việt



Sau giao thừa, miền trời Hội An, Đà Nẵng và Huế đổ mưa nhẹ. Theo lệ thường, đây là dấu hiệu tốt, điềm lành cho một năm.


Ở một số nơi vắng vẻ, các vùng nông thôn, tiếng pháo nổ đì đùng thỉnh thoảng vang lên. Đây là chuyện lạ nhất trong mọi năm, vì chính quyền đã cấm đốt pháo gần hai mươi năm nay.



Theo mẹ lên chùa xem lễ… (Hình: Phi Hùng/Người Việt)


Lên chùa xem lễ


Các cụ ông, cụ bà, cô, chú và nhiều bạn trẻ đi đón giao thừa ở chùa làng, giờ phút thiêng liêng đến với họ trong tiếng chuông êm êm, trầm ấm.


Xin lộc đầu năm, đó cũng là thói quen, niềm vui năm mới cho mỗi người, cành lộc như thể điềm báo tin hỉ lạc cho người cầm nó trên tay, mang về nhà.


Thường, như mọi năm, sáng Mồng Một, con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ đi thắp nhang mộ ông bà tổ tiên và đi lên chùa xem lễ.


Rút xăm cầu may đầu năm là một hoạt động vừa mang tính xã hội vừa mang tính tâm linh. Thẻ xăm sẽ mang lại niềm vui nào đó hoặc dự báo những điều bạn nên tránh, nên làm… Và chí ít mang lại cho mỗi người một tin vui nho nhỏ nào đó cho cả mùa Xuân.


Như mọi năm, cứ sáng Mồng Một là lò nhang lớn trước các chùa đều phựt cháy bởi quá nhiều chân nhang cộng hưởng nhiệt. Thường, những ai đang thắp nhang, cầu nguyện gặp ngọn lửa phựt đỏ lấy làm vui mừng bởi có hỉ tin, điềm lành.


Lạ nhất là năm nay, các bạn trẻ thay vì bàn luận chuyện năm mới hên xui, may rủi, cào vé số thử vận, chơi tôm cua cá cọp, số lớn số nhỏ… thì lại ngồi tụ thành từng nhóm trong các quán cà phê. Câu chuyện rôm rả đầu năm của họ lại có thêm vấn đề về dân chủ, nhân quyền, đất đai, chuyện gia đình anh Đoàn Văn Vươn…”.


Thành phố cổ Hội An, Quảng Nam đón Tết sau màn bắn pháo bông ở các điểm cầu Cửa Đại, cầu qua nhà vườn Trà Quế, quán cà phê Hội An và hai khách sạn lớn.


Các cụ ông mặc áo dài, khăn đóng ngồi đánh cờ, uống trà, chơi đàn bầu ở các bậc thềm nhà cổ hai bên đường phố Hội An. Không gian Mồng Một nhẹ nhàng, thanh thoát, khí trời dịu, xanh.


Vài người bán bong bóng hình rồng, đồ chơi trẻ nít, tò he đã đứng ở các ngã tư, chào mời vui vẻ. Bỏ lại một năm lao nhọc phía bên kia giao thừa.



Bán chút may rủi đầu năm, giây phút ưu tư của người bán vé số.(Hình: Phi Hùng/Người Việt)


Vài hình ảnh Tết


Có lẽ vì tình hình kinh tế năm ngoái không được khả quan nên năm nay lượng người ăn xin ngày đầu năm tăng cao, người bán vé số cũng không ít. Bên cạnh những chiếc xe mới cáu, những người mập mạp, sang trọng, sực mùi nước hoa là những chiếc xe lăn, những người ăn xin, bán vé số nheo nhóc, hom hem…


Ghé thăm trại mồ côi Hội An và Đại Lộc, Quảng Nam, đều bắt gặp chung một cảm giác vắng vẻ, trầm lặng, có chút gì đó cô liêu, khó tả, nhất là khi mấy em bé không cha không mẹ đi lững thững trong khuôn viên trại, vẻ mặt nhút nhát, không dám lại gần người lạ càng khiến cho ngày Tết ở nơi này thêm mồ côi.


Trên đường từ Điện Bàn đi phố cổ Hội An, một người ăn xin nằm trên chiếc xe đẩy, chống tay lăn đi, than mình anh bẹp dí dưới mặt đường, chiếc máy cassette trên xe gỗ phát băng tụng kinh A Di Đà Phật, trời mưa lất phất, vài người dừng xe tặng anh vài đồng rồi tiếp tục du Xuân.


Người già, trẻ em đứng trước cổng chùa ăn xin nhiều vô kể. Đó là chưa nói đến những người giữ xe “phát sinh”, hễ khách dừng xe, để xe trước cổng chùa thì tức khắc có người đến ghi số phiếu giữ xe, nếu là xe hơi thì không nói năng gì, khi trở lại xe là có người chặn lấy tiền giữ xe. Điều này làm nhiều người thấy khó chịu.



Du thuyền Hội An ngày Tết. (Hình: Phi Hùng/Người Việt)


Khó chịu nhất là cách chùa không xa, các nhân viên an ninh, dân phòng vẫn ngồi uống cà phê, nhậu nhẹt, mặc cho mấy người giữ xe “phát sinh” hành hạ người xem lễ, đi chùa.


Ông NC., giảng viên khoa văn học Nhật Bản, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Sài Gòn, sau một một hồi đứng nhìn cuộc tranh cãi của mấy người giữ xe trước cổng chùa, nói: “Năm mới, mọi người đều mở lòng mình ra đón Tết…”.


“Nhưng mở lòng theo cách nào thì tùy thuộc vào căn để và thân phận. Ở một đất nước mà Tết đến, con người nháo nhào kiếm cơm, nháo nhào tranh ăn tranh thua, thì nên xem lại cái cơ chế văn hóa, giáo dục của nước đó”.


“Và hơn nữa, ở một đất nước, mà Tết đến, sự phân chia gia cấp, tầng lớp hiện ra rõ nét, có ranh giới quá sâu giữa giàu và nghèo, thì nên xem lại độ bền của thể chế đương trị… Mình là khách xa tới đây, thấy hơi buồn”.


Ngày Xuân còn dài, bên cạnh cái dịu dàng của nắng Xuân, cái rực rỡ của muôn hoa khoe sắc, cái lộng lẫy của Chúa Xuân, vẫn còn đâu đó những nốt lặng cuộc đời.

MỚI CẬP NHẬT