Thursday, March 28, 2024

Một phần ba thực phẩm Việt nhiễm trùng tả và thương hàn


Bơm gạch giả vào cua thịt bán giá cao


 


VIỆT NAM (NV) –Kết quả một cuộc xét nghiệm mới nhất của Viện Pasteur Sài Gòn cho thấy, tỉ lệ nhiễm vi trùng tả và thương hàn ở các loại thực phẩm động vật sống bày bán tại một số chợ vùng Sài Gòn lên tới 32.26%.










Mua cua gạch cũng dễ bị lầm. (Hình: báo Lao Ðộng)


Phúc trình công bố kết quả xét nghiệm này của Viện Pasteur Sài Gòn còn cho biết, đến 40% mẫu thịt heo bị nhiễm Salmonella, kế đến là thịt gà, rồi thịt bò…


Tình trạng giết mổ khắp nơi làm lây lan vi trùng Salmonella gây tiêu chảy ở thực phẩm bán tại chợ. Theo báo Kiến Thức, hầu hết các chợ lớn, nhỏ ở địa phận Sài Gòn đều có hàng chục, hàng trăm “lò” giết mổ heo, bò, gà, vịt.


Một chủ sạp bán thực phẩm khô ở quận 12, Sài Gòn thú nhận: “Tụi tôi mổ gà luôn tại chỗ để giao gà thịt cho các bà nội trợ luôn theo yêu cầu của họ.” Ông chủ sạp còn cho biết, tiền công giết mổ mỗi con gà chỉ có 5,000 đồng, tương đương 25 cent, nhưng không giết mổ thì mất khách.


Hiện nay hầu như các sạp bán gà vịt sống đều có sẵn người giết mổ gà vịt tại chỗ. Sự “tiện lợi” cho quý bà nội trợ vô tình làm lan truyền nguồn nước ô nhiễm, chứa vi trùng bệnh dịch.


Theo bà Phẩm Minh Thu, trưởng phòng kiểm nghiệm của Viện Pasteur, vi khuẩn Salmonella lây lan sang các loại rau, củ, quả… bán ở chợ, gây bệnh thương hàn, tiêu chảy cho người. Cũng theo bà Thu, nguy hiểm hơn là cơ thể người ngày càng lờn thuốc kháng sinh chống lại chứng nhiễm khuẩn Salmonella.


Mới đây, theo báo Lao Ðộng, cua gạch “dởm” được bày bán tràn lan với giá cao. Một “đầu nậu” cua cho biết, các chủ vựa nuôi cua thịt lớn rồi bơm “gạch” giả vào để biến thành “cua gạch.” Gạch dởm đó được pha chế bằng cách trộn hỗn hợp tròng đỏ trứng vịt, bột mì, chất bảo quản để giữ được lâu trong mai con cua.


Bị “đánh lộn sòng” là tiếng nôm na của người dân gọi loại cua được bơm gạch giả. Vì không có kinh nghiệm phân biệt, không ít bà nội trợ – kể cả những người mua thực phẩm cho các nhà hàng, mua lầm cua “dởm,” lâm vào cảnh “tiền mất tật mang.” (PL)

MỚI CẬP NHẬT