Friday, March 29, 2024

Mỹ – Việt ký thỏa hiệp năng lượng hạt nhân

BRUNEI (NV) .- Việt Nam và Hoa Kỳ vừa đạt được một thỏa thuận về hạt nhân dân sự. Việt Nam cũng vừa được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhắc tới trong thông báo cùng ngày về chương trình hợp tác năng lượng.









Chuyên viên mặc quần áo chống phóng xạ đứng trong nhà máy điện hạt nhân đã được cho ngừng hoạt động sau thảm họa xảy ra hồi Tháng Ba 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản. Vì những hậu quả trầm trọng và lâu dài, chính phủ Nhật quyết định nhưng sử dụng điện hạt nhân. (Hình: ISSEI KATO/AFP/Getty Images)


Thỏa thuận về hạt nhân dân sự, được gọi tắt là “Hiệp định 123” do hai ngoại trưởng Việt Nam và Hoa Kỳ cùng ký hôm 10 tháng 10 tại Hội nghị Thượng định Đông Á ở Brunei. Nếu “Hiệp định 123” được Quốc hội và Tổng thống Hoa Kỳ phê chuẩn, các công ty Hoa Kỳ có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam hoặc bán nhiên liệu cũng như thiết bị, công nghệ liên quan đến điện hạt nhân cho Việt Nam.


Ông John Kerry, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, cho rằng, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai về năng lượng nguyên tử ở khu vực Đông Á. Đến 2030, tiềm năng của thị trường này có thể đạt tới 50 tỷ đô la.


Trong thỏa thuận về hạt nhân dân sự có những quy định nhằm ngăn chặn việc Việt Nam làm giàu chất uranium hoặc phổ biến hạt nhân, song phía Hoa Kỳ nhận xét, Việt Nam “có thành tích rất tốt trong việc không phổ biến hạt nhân và được Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) tin cậy”.


Hồi đầu tháng 7, với sự hỗ trợ của IAEA, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NNSA) và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM), Việt Nam đã giao 16 ký uranium nhiên liệu có độ làm giàu cao cho ROSATCOM. Sau vụ chuyển giao này, Lò nguyên tử Đà Lạt sẽ chỉ sử dụng nhiện liệu có độ làm giàu thấp


Cũng trong ngày 10 tháng 10, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát hànt một thông báo về tiến bộ của chương trình “Quan hệ Ðối tác Năng lượng toàn diện Hoa Kỳ – Châu Á Thái Bình Dương” (USACEP). USACEP do Tổng thống Hoa Kỳ, Quốc vương Brunei, và Tổng thống Indonesia phát động hồi năm ngoái nhằm phát triển nguồn năng lượng giá rẻ, sạch, và an toàn cho vùng châu Á-Thái Bình Dương. Trong USACEP có cả Việt Nam.
 
Theo thông báo vừa kể, Hoa Kỳ và các quốc gia trong USACEP đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Chẳng hạn với Việt Nam, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đã hỗ trợ Công ty Tư vấn Năng lượng GE (Hoa Kỳ) và Cục Ðiều tiết Ðiện lực Việt Nam nghiên cứu tích hợp năng lượng gió trên diện rộng vào lưới điện của Việt Nam. USTDA  cũng đã giúp đỡ một phái đoàn thương mại về phát triển điện năng của Việt Nam đến Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty năng lượng sạch và giới đầu tư ở Hoa Kỳ.


Với thỏa thuận mới đạt được về hạt nhân dân sự với Hoa Kỳ, có vẻ như giới lãnh đạo Việt Nam vẫn không từ bỏ kế hoạch phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Hồi tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Việt Nam phê duyệt kế hoạch phát triển điện hạt nhân.


Kể từ khi Việt Nam loan báo dự định đầu tư, phát triển các nhà máy điện hạt nhân, đã có rất nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam cùng lên tiếng để ngăn cản vì quá tốn kém, nhiều rủi ro, thiếu nhân lực. Tuy nhiên, bất chấp những phân tích về tác hại nhiều mặt của điện hạt nhân, chính quyền Việt Nam vẫn khẳng định, từ năm 2014 đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân ở miền Trung, trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Hà Tĩnh.
 
Hồi đầu tháng chín, qua BBC, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, một người từng giảng dạy về điện và năng lượng hạt nhân ở Đại học Grenoble của Pháp, cựu cố vấn chiến lược cho Tập đoàn Điện của Pháp (EDF), tiếp tục cảnh báo, nếu vẫn khăng khăng thực hiện kế hoạch phát triển điện hạt nhân, khi xảy ra tai nạn,  Việt Nam sẽ bị cắt ra làm đôi vì toàn bộ miền Trung bị ô nhiễm phóng xạ bao trùm. 


Đến cuối tháng 9, Giáo sư Trần Đại Phúc, một người đã làm việc hơn 40 năm trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân tại Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ,… đồng thời đang là thành viên của Tổ Tư vấn Việt – Pháp cho Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, lên tiếng khuyến cáo cần thận trọng với điện hạt nhân.


Theo ông, từ nay đến năm 2025, Việt Nam phải có ít nhất 2000 chuyên viên trong mỗi chuyên ngành để có thể hỗ trợ một cách an toàn cho “Đề án nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận” song với tình thế hiện nay, Việt Nam khó đáp ứng được tiêu chí về nguồn nhân lực, mà “bất kì sự thiếu hiểu biết nào cũng có thể dẫn đến xử lý sai khi vận hành nhà máy điện hạt nhân, trong khi mọi công nghệ điện hạt nhân đều có rủi ro”.


Đến nay, để thực hiện kế hoạch phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đã hợp tác với Nga và Nhật (tìm hiểu, lựa chọn công nghệ). Trong tương lai gần, Hoa Kỳ có thể là đối tác thứ ba.


Khi lên tiếng can gián kế hoạch phát triển điện hạt nhân của Việt Nam, nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã liên tục nhắc tới ba thảm họa hạt nhân điển hình trên thế giới. Đó là Three Mile Island – Hoa Kỳ – 1979, Chernobyl – Ukraina – 1986, Fukushima – Nhật Bản – 2011.


Họ nhấn mạnh: Diễn biến cũng như những bất cập gây ra các thảm họa này là do con người và các cơ quan có liên quan thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu văn hóa an toàn và thiếu văn hóa trách nhiệm của cả cá nhân lẫn tập thể trong quá trình vận hành nhà máy điện hạt nhân ở tình trạng  bình  thường cũng như khi có tai nạn. Việt Nam đang có và khó loại bỏ tất cả những bất cập ấy. (G.Đ)


 


 

MỚI CẬP NHẬT