Thursday, April 18, 2024

Mỹ sẽ không rời châu Á – Thái Bình Dương


HOA THỊNH ĐỐN (NV) .-
Hoa Kỳ vẫn hiện diện tại Thái Bình Dương. Trung Quốc cần làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến yêu sách về chủ quyền trên biển Đông. Các quốc gia khác sẽ không từ bỏ chủ quyền của họ.









Thủy thủ của chiến hạm USS Chafee trình diễn kỹ thuật chữa cháy trên tàu cho một số sĩ quan hải quân CSVN. Chiến hạm Mỹ USS Chafee đến Đà Nẵng ngày 25/4/2012 là một trong số các chiến hạm Mỹ thay nhau đến thăm các hải cảng Việt Nam. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)


Đó là những điểm chính trong tuyên bố của Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ Chỉ huy châu Á – Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, tại hội thảo do Trung tâm An ninh Quốc tế Brent Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhằm bàn về an ninh châu Á, hoạt động của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương trong việc củng cố cấu trúc an ninh của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, những thách thức và cơ hội khi thực thi các ưu tiên chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ. 
 
Tại hội thảo này, Đô đốc Locklear khẳng định, dẫu có khó khăn về tài chính, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự hùng hậu ở châu Á. Ông xác nhận, một mặt, quan hệ hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc đang được cải thiện thông qua tăng cường đối thoại. Mặt khác, Trung Quốc vẫn nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông càng ngày càng gay gắt, khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại.


Theo Đô đốc Locklear, việc một quốc gia có nền kinh tế như Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự là bình thường, tuy nhiên ông bận tâm về việc Trung Quốc sẽ sử dụng quân đội mà họ đang xây dựng vào mục đích gì (?). Nếu sử dụng sức mạnh quân sự để uy hiếp các lân bang, buộc các lân bang phải từ bỏ những tiến trình pháp lý phân định các tuyên bố chủ quyền một cách chính đáng thì điều này sẽ là vấn đề.


Đô đốc Locklear cho rằng, Trung Quốc cần làm rõ nỗ lực xây dựng lực lượng tàu ngầm là để  bảo vệ an ninh nội địa hay vì các mục đích khác. Trung Quốc cần chứng minh mục đích một cách rõ ràng. Đô đốc Locklear tin rằng, các lân bang của Trung Quốc sẽ không thoại bộ trong tranh chấp chủ quyền và Hoa Kỳ cần có phương cách giải tỏa những mâu thuẫn này để tránh những tính toán sai lầm.


Cách nay ít ngày, ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á, cũng vừa lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải làm rõ yêu sách chủ quyền liên quan đến đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch, chiếm tới 80% diện tích biển Đông. Bản đồ có 9 vạch hình “Lưỡi Bò” mà Trung quốc tự vạch chiếm hơn 80% Biển Đông được Bắc Kinh công bố ở cơ quan UNCLOS của LHQ hồi năm 2009 đã bị Việt Nam và các nước trong khu vực bác bỏ.


Đáp lại lời ông Russel, Trung Quốc cảnh cáo Hoa Kỳ đừng can thiệp vào các tranh chấp ở biển Đông, phủ nhận các nỗ lực và đề nghị “quốc tế hóa” vấn đề biển Đông. Ông Ngô Sĩ Tồn, Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc, khẳng định, Hoa Kỳ không có quyền can thiệp vào tranh chấp ở khu vực biển Đông. Ông này cho rằng Hoa Kỳ “lợi dụng vấn đề biển Đông để khống chế Trung Quốc”.


Cũng cách nay chỉ vài ngày, Việt Nam tuyên bố muốn tăng cường hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, kể cả trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Trong buổi gặp bà Wendy Sherman, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề chính trị, hôm 4 tháng 3-2014 ở Hà Nội, ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, bày tỏ mong muốn hai bên “tăng cường trao đổi để phối hợp tốt hơn trong các cuộc tham vấn chiến lược về an ninh-quốc phòng”. Ông Vịnh nhấn mạnh, Việt Nam “sẵn sàng lắng nghe cũng như sẵn sàng mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ”.


Bà Sherman hy vọng hải quân Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ có thêm các hoạt động chung như chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi  – thiết lập đường dây nóng cập nhật thông tin về an ninh hàng hải. Tuy nhiên Việt Nam sẽ rất khó “mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ” nếu không cải thiện thực trạng nhân quyền.


Không chỉ có bà Sherman đề nghị Việt Nam phóng thích tù chính trị và để cho dân chúng tự do bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hoà trong cuộc gặp vừa kể. Tại Hoa Kỳ, bà Loretta Sanchez, thành viên Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện, nhắc nhở cả Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương lẫn Bộ Quốc phòng phải lưu ý đến “khủng hoảng nhân quyền” ở Việt Nam trước khi đưa ra bất kỳ cam kết nào về thỏa thuận an ninh hàng hải nào”. Nếu không, điều đó giống như phủ nhận nền tảng lập quốc của Hoa Kỳ. (G.Đ)



 

MỚI CẬP NHẬT