Thursday, March 28, 2024

Ngân sách quốc phòng CSVN: $3.1 tỉ, tăng 35% so với 2011

PHNOM PENH (NV) Biển Ðông sẽ trở nên chật hẹp vì quá nhiều tàu chiến tàu ngầm trong cuộc chạy đua võ trang của các nước trong khu vực. Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và ngay cả Cambodia vừa nhỏ vừa nghèo cũng ráng gồng mua sắm trang bị quân sự, phản ảnh qua sự gia tăng ngân sách quốc phòng.







Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc biểu diễn tập trận chống tàu ngầm trên biển Ðông hồi tháng 10, theo báo Quân Sự Trung Quốc ngày 19 tháng 10, 2012. (Hình: Chinamil)


Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế tại Stockholm, Thụy Ðiển, ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm nay khoảng $3.1 tỉ, tăng 35% so với năm 2011. Ðổ đồng, sự gia tăng chi phí quốc phòng của khu vực Ðông Nam Á gia tăng 13.5% từ $25.4 tỉ hồi năm ngoái và dự trù lên tới $40 tỉ vào năm 2016.


Một mặt, nhờ sự phát triển kinh tế nên các nước khu vực có khả năng tài chính mua sắm. Mặt khác, nhìn thấy sự đe dọa từ guồng máy quân sự của Bắc Kinh phát triển dữ dội cả về phẩm cũng như lượng, các nước ASEAN mua sắm các các loại trang bị tối tân cho không quân và hải quân, gồm cả chục tàu ngầm có khả năng hoạt động bí mật.


Viện nói trên cho hay, nếu kể từ 2002 đến 2011, các nước gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Cambodia đã gia tăng ngân sách quốc phòng từ 66% đến 88%.


Indonesia mua tàu ngầm của Nam Hàn, hệ thống Radar phòng vệ biển của Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam sắp nhận chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm Kilo mua của Nga đồng thời cũng đã mua hỏa tiễn phòng vệ biển của Israel và của Nga.


Philippines có một danh sách rất dài võ khí muốn mua của Mỹ và cũng đã từng tiếp xúc với Nhật, Hàn, Pháp và Anh Quốc để mua sắm quốc phòng.


Singapore là một bán đảo bé tí xíu nhưng lại là xứ giàu có, tiến bộ nhất khu vực, được coi là nước nhập cảng võ khí lớn hàng thứ năm trên thế giới nhưng với ASEAN thì là nước mua sắm trang bị quốc phòng nhiều nhất. Năm nay, ước lượng Singapore chi lối $9.7 tỉ USD cho quốc phòng, chiếm 24% ngân sách quốc gia. Singapore mua cả chiến đấu cơ Mỹ và tàu ngầm của Thụy Ðiển.


Thái Lan cũng đang tính mua tàu ngầm và chiến đấu cơ của Thụy Ðiển trang bị hỏa tiễn chống tàu chiến. Malaysia thì đã gia tăng khả năng quân sự gấp 8 lần từ 2004 đến 2009.


Mấy thập niên trước, các nước này chính yếu chỉ nhập cảng súng nhỏ và xe tăng để đối phó với các vấn đề an ninh nội bộ. Những năm gần đây thì mua toàn những thứ lớn và đắt tiền để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Những căng thẳng trên biển Ðông biểu lộ rõ rệt qua chủ trương bá quyền của Trung Quốc muốn chiếm trọn khu vực này khiến các nước không thể không nhúc nhích.


Theo các ước lượng của chuyên viên quốc phòng quốc tế, sẽ có thêm khoảng 86 tàu ngầm được thêm vào danh sách các tàu hoạt động trên biển Ðông từ nay đến năm 2020, trong đó, khoảng 30 chiếc là của Trung Quốc. Trong số những tàu ngầm của Trung Quốc có những chiếc tàu ngầm nguyên tử, trang bị 12 ống phóng hỏa tiễn tầm xa. Mỗi hỏa tiễn có thể mang nhiều đầu đạn.


Giáo Sư Carl Thayer, chuyên viên các vấn đề Ðông Nam Á của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc cho rằng “Ðiều động đội tàu ngầm nguyên tử, gồm cả những tàu ngầm trang bị hỏa tiễn tầm xa sẽ mở ra một tầm vóc địa chiến lược mới về sự cân bằng thế lực ở khu vực.”


Ông cho rằng sự sử dụng các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc sẽ lôi kéo sự chú ý của hải quân Hoa Kỳ. Ông cũng cho rằng sự gia tăng mua sắm trang bị quốc phòng ở khu vực có thể gây tác động mất ổn định an ninh cho vùng.


Trong bài tham luận đọc nhân đến dự cuộc hội thảo về biển Ðông tại Việt Nam cuối tuần qua, ông Thayer cho rằng khu vực đã “đủ độ chín” về thù nghịch nhưng chưa đến nỗi xung đột võ trang. Ðây là hậu quả của sự nghi ngờ Trung Quốc ngày một hùng mạnh nhanh chóng thành một cường quốc quân sự không riêng gì kinh tế, và còn một Hoa Kỳ cam kết duy trì sự hiện diện để cân bằng sức mạnh.


Hiện Trung Quốc đang xây dựng căn cứ tàu ngầm nguyên tử trong lòng núi ở cảng Tam Á, cực Nam đảo Hải Nam. Tuy nhiên cho tới nay, thống kê Hạm đội Nam hải của Trung Quốc mới thấy liệt kê 29 tàu chiến lớn các loại, 8 tàu ngầm điện/diesel, 23 tàu đổ bộ và một tàu bệnh viện.


Trong bài tham luận, ông Thayer cho rằng một trong những điều gây bối rối nhất là chiến thuật của Trung Quốc sử dụng một đội tàu cá vô cùng đông đảo và các loại tàu bán quân sự làm bàn đạp khẳng định chủ quyền biển đảo trong các cuộc tranh chấp. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT