Thursday, April 18, 2024

Người Ấn Ðộ ở Sài Gòn

Bài và hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Thường uống cà-phê trên vỉa hè đường Trương Ðịnh – quận 1, đối diện đền thờ Bà Mariamman của Ấn Ðộ Giáo, chúng tôi quen biết ông Shantanu; ông vẫn đi lễ tại đền thờ này, và uống cà-phê quán cóc vỉa hè.

Chùa Ấn Giáo, đường Tôn Thất Thiệp.

Ông Shantanu xấp xỉ tuổi chúng tôi, khoảng trên dưới bảy mươi, hiểu biết rộng, đã giúp chúng tôi rành rõ về cư dân Ấn Ðộ tại Sài Gòn, thành phố mà ông sinh sống lâu năm, trước 30 Tháng Tư, 1975.

Chúng tôi đã được biết, cư dân Ấn Ðộ ghi dấu đậm nét tại Sài Gòn ngay từ thuở thành phố này mới khẩn hoang, qua sách “Sài Gòn năm xưa” của học giả Vương Hồng Sển; cộng đồng dân cư thuở đó bao gồm “Tây-Nam-Chà-Chệt” – Tây: người Pháp; Nam: người Việt Nam; Chà: người Ấn Ðộ; Chệt: người Hoa. Từ miền Bắc di cư vào Sài Gòn năm 1954, những ngôi đền Ấn Ðộ uy nghi tọa lạc ở các con đường Trương Ðịnh-Tôn Thất Thiệp-Công Lý, với kiến trúc tinh tế kỳ công, đã đi sâu vào ký ức của đứa bé di cư. Thuở học sinh, chúng tôi thường vào xem phim ở rạp Long Phụng, rạp hát thường xuyên chiếu phim Ấn Ðộ; và không quên thưởng thức những chiếc bánh cay vị cà-ri Chà… Nghe dân Sài Gòn gọi người Ấn Ðộ là Chà Và, chúng tôi gọi theo; sau này mới hiểu: Chà Và là đọc trại từ Java, tên gọi chung cho người Ấn Ðộ và người Mã Lai.

Người Ấn Ðộ tại Sài Gòn thuở đó thường làm nghề mại bản, quản lý nhà đất, cho vay tiền, làm trung gian giữa người Việt và người Pháp… Ðường Tôn Thất Thiệp, vào năm 1954, được xem là một tiểu Ấn Ðộ, với những ông Chà Và cho vay tiền, chủ quán cà-ri nị, mở tiệm kim hoàn. Những người Ấn Ðộ gốc ở Bombay thường kinh doanh ngành vải lụa, họ có nhiều cửa hiệu ở đường Catinat, Bonard, Hàm Nghi, Galliéni, và chợ Bến Thành. Chúng tôi được biết, từ lâu trước đó, cộng đồng người Ấn Ðộ tại Sài Gòn còn đông đảo hơn nhiều; đã có một đợt người Ấn Ðộ rời Sài Gòn, sang định cư tại Pháp, vào năm 1945.

Ngồi uống cà-phê quán cóc vỉa hè đường Trương Ðịnh hôm nay, ông Shantanu hỏi chúng tôi còn nhớ kem đánh răng Hynos không. Chúng tôi nhắc nhớ kem đánh răng Hynos của Sài Gòn cách đây gần 40 năm, với hình ảnh chú Bảy Chà da ngăm đen, cười phô hàm răng trắng bóc vì xài kem Hynos; lòng chùng xuống nỗi cảm hoài một thời Sài Gòn “Hòn Ngọc Viễn Ðông” tự do dân chủ. “Nhờ ý tưởng làm hình tượng thương hiệu như vậy, kem Hynos đã cạnh tranh và vượt trội các loại kem đánh răng của Pháp lúc đó, được giới tiêu dùng ưa chuộng hơn hết.” Ông Shantanu nói với chúng tôi bằng tiếng Việt rành rõ như vậy.
Theo ông Shantanu, từ thuở Sài Gòn mới thành lập tới năm 1975, cư dân Ấn Ðộ đã in dấu ấn đậm nét; họ được kể là một sắc thái của thành phố, góp phần làm nên Sài-Gòn-Hòn-Ngọc-Viễn-Ðông” một thời. Nhắc tới Sài Gòn thuở trước, không thể không nhắc tới đền chùa Chà, đất Chà, vải lụa Bombay, cari Chà, bánh cay Chà, gia vị Việt Ấn… và Chà Và gác cổng nữa chứ! Gặp ông Shantanu, chúng tôi mới hiểu ra, vì sao thuở trước người Ấn Ðộ thường làm trung gian giữa người Việt và người Pháp. Ðó là câu chuyện về một người Ấn đầu tiên tới Việt Nam.

Ông Shantanu được bậc cha ông cho biết, người Ấn Ðộ đầu tiên tới Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ XIX là một người Pháp gốc Ấn. Người Ấn này không sinh sống tại Sài Gòn, mà chọn Tân Hiệp-Mỹ Tho để an-cư-lạc-nghiệp.

Thực khách nhà hàng cà-ri dê Ấn Ðộ.

Ông này ở luôn tại đây, và làm công việc thu góp tiền chợ. Sau đó, ông ta quen biết rồi cưới hỏi được cô vợ xinh đẹp nhất vùng, lại là con một ông chánh tổng. Hai vợ chồng ăn nên làm ra, tạo được cơ ngơi vững vàng. Ðiều đặc biệt đáng kể, là một người con của họ, mang tên Pháp là Henry Adams, chính là người khai sinh ra “Thịt bò 7 món”, thuộc thực đơn rau sống mắm nêm của miệt vườn miền Tây Nam bộ.

Henry Adams cũng là người lập nên nhà hàng thịt bò 7 món “Au Pagolac” tại Sài Gòn vào năm 1930. Nhà hàng Au Pagolac hiện vẫn hoạt động, được xem là thương hiệu nhà hàng tồn tại lâu năm nhất của Sài Gòn, tính tới nay đã tròn 80 năm.

Ông Shantanu phỏng đoán, hiện nay cư dân Ấn Ðộ tại Sài Gòn có khoảng 30 ngàn người; nếu thuở trước tập trung ở khu vực đường Tôn Thất Thiệp, thì hiện nay ở khu vực đường Bùi Viện.

Ða số người Ấn cư trú tại Sài Gòn hiện nay làm việc tại các doanh nghiệp, trung tâm phần mềm Quang Trung, và kinh doanh nhà hàng ăn uống. Một số nhà hàng của người Ấn Ðộ nổi tiếng, như: Quán Abidal ở đường Lê Thị Hồng Gấm, quận 1; quán Cari Tươi, đường trần Phú, quận 5… Ðặc biệt, trong khuôn viên Thánh đường Hồi Giáo ở đường Ðông Du, quận 1, có quán cari gà-dê.

Ông Shatanu giới thiệu chúng tôi tới một quán cà-ri dê Ấn Ðộ của một gia đình thân quen với ông. Quán tọa lạc ở khu vực góc đường Ðiện Biên Phủ (đường Phan Thanh Giản thuở trước) và đường Hai Bà Trưng. Quán cà-ri dê Ấn Ðộ này do chính người Ấn phụ trách chế biến thực phẩm; ngoài cà-ri dê còn có cơm nị và bánh Baratha cay vị cà-ri Ấn Ðộ.

MỚI CẬP NHẬT