Tuesday, April 16, 2024

Nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc xây liên tục tê liệt


QUẢNG NINH (NV) – Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả gồm 2 tổ máy có vốn đầu tư hơn 10,000 tỷ đồng, kể từ khi nhà thầu Trung Quốc bàn giao luôn xảy ra hỏng hóc và gần nửa năm nay đã bị “liệt” một nửa.



Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả chỉ hoạt động một nửa và gây ô nhiễm cả khu vực. (Hình: Báo Lao Động)


Theo báo Lao Động, hai tổ máy số 1 và 2, hay còn gọi là nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2, ở phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, có tổng vốn đầu tư 10,635 tỷ đồng được nhà thầu Trung Quốc là công ty công trình điện quốc tế Cáp Nhĩ Tân bàn giao cho công ty nhiệt điện Cẩm Phả, thuộc tập đoàn Vinacomin vào tháng 9 tháng 2011.


Tuy nhiên, tháng 7 năm 2014, tua-bin của tổ máy số 2 bị gãy cánh phải ngừng hoạt động và sửa chữa mất 4 tháng. Đến tháng 2 năm 2016, thì đến tua-bin của tổ máy số 1 bị gãy cánh khi đang hoạt động, buộc công ty nhiệt điện Cẩm Phả phải đưa cả tua-bin nặng khoảng 80 tấn sang Trung Quốc “chữa trị,” dự kiến phải đến tháng 7 tới may chăng mới trở lại hoạt động.


Giới chuyên môn ước tính, không chỉ tốn cả triệu đô để sửa chữa tua-bin, mà việc tổ máy số 1 dừng hoạt động cả nửa năm còn khiến công ty nhiệt điện Cẩm Phả mất cả trăm tỷ đồng khi công suất giảm mất 50%, nhất là vào dịp hè này nhu cầu điện tăng đột biến.


Nói với phóng viên Lao Động, ngày 28 tháng 5, ông Phạm Quốc Cường, chủ tịch công đoàn công ty nhiệt điện Cẩm Phả cho biết, để tạm thời ổn định công việc của 720 cán bộ, nhân viên, công ty phải luân chuyển công việc nhân sự ở 2 tổ máy thay phiên nhau đổi vị trí làm việc.


“Nhưng nếu cứ đà này thì thu nhập của người lao động trong toàn công ty sẽ gặp khó khăn một khi nguồn tiễn dự phòng từ năm 2015 hết, kể từ tháng 5-6 năm 2016 trở đi,” ông Cường nói.


Tin cho biết, mặc dù kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, các cổ đông chủ yếu là các công ty thuộc Vinacomin, như: Than Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu, Mông Dương…, vẫn chưa nhìn thấy tương lai được nhận cổ tức, khi mà mức lỗ dù đã giảm nhưng năm 2015 vẫn ở mức trên 270 tỷ đồng và nay lại “dính” phải vụ đại sự cố hỏng tua-bin.


Ấy vậy mà, sau khi đưa hai nhà máy vào hoạt động, Vinacomin nhiều lần đề xuất với tỉnh Quảng Ninh cho phép xây dựng thêm nhà máy thứ 3, bên cạnh hai nhà máy đang hoạt động, bất chấp ý kiến phản đối của người dân về ô nhiễm bụi. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT