Friday, March 29, 2024

Nhà nước dọa xiết đô la, thương gia méo mặt

VIỆT NAM (NV) Ngân Hàng Nhà Nước CSVN vừa hoàn tất dự thảo mang tên “Pháp lệnh quản lý ngoại hối” áp dụng nhiều biện pháp xiết mua bán và thanh toán mậu dịch bằng đô la.







Ngân hàng thương mại lâu nay mua đô la với giá thấp so với giá thị trường và không chịu bán đủ nhu cầu chính đáng của người dân. (Hình: Internet)


Nếu dự thảo này được thông qua, chắc chắn sẽ thêm nhiều công ty thương mại phá sản nếu không cố tình “đứng trên luật pháp”.


Theo VNExpress, dự thảo chứa đựng nhiều biện pháp hạn chế giao dịch ngoại tệ khắp lãnh thổ Việt Nam. Bằng dự thảo này, nhà nước Việt Nam muốn gom tất cả ngoại tệ đang “trôi nổi” vào “cái két” của mình.


VNExpress dẫn điều 22 của dự thảo này quy định rằng “mọi giao dịch, ký kết hợp đồng, niêm yết giá tiền… trên thị trường khắp lãnh thổ Việt Nam đều không được phép sử dụng ngoại tệ”.


Trong cuộc họp diễn ra chiều ngày 10 tháng 11 tại Hà Nội, một số đại biểu Quốc Hội Việt Nam cho rằng dự thảo này sẽ gây thiệt hại lớn cho các công ty thương mại vì sự thay đổi “xoành xoạch” hối suất.


Ðại biểu Quốc Hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường dẫn một thí dụ nói rằng có rất nhiều hợp đồng được ký kết trước đó vài năm ấn định hối suất theo giá thị trường, thấp hơn nhiều so với hiện nay. Ðể thực thi luật mới, tức là phải thực hiện các hợp đồng bằng giá trị tiền Việt Nam thì công ty ký kết sẽ lỗ trung bình mỗi đô la khoảng 3,000 đồng Việt Nam, tương đương 15 cents. Ðiều này theo dư luận, chỉ “sòng phẳng” và thích hợp khi nào nhà nước Việt Nam giữ vững được hối suất để giới thương gia, mua bán, kinh doanh không bị lỗ vì hối suất trồi sụt.


Cũng điều 22 còn nói rằng “không ai được phép sử dụng ngoại tệ, kể cả các công ty xuất nhập cảng, trừ ngoại lệ một số trường hợp được ngân hàng nhà nước cho phép”.


Ðiều gọi là ngoại lệ này cho đến nay vẫn chưa được qui định rõ ràng. Nói khác đi, sẽ không có bao nhiêu công ty, cá nhân được phép sử dụng đô la trong các thương vụ giao dịch quốc tế.


Thực tế cho thấy thời gian qua, để chuẩn bị “quản lý đô la,” các ngân hàng thương mại không có đô để bán cho khách hàng trong những trường hợp cần thiết. Vì vậy, người dân cũng như các tổ chức thương mại, dịch vụ buộc lòng phải tiếp tục “găm giữ” ngoại tệ trong két riêng của mình, bất chấp lệnh cấm của nhà nước.


Cuối cùng, dư luận cho rằng việc quản lý ngoại tệ và làm cho đồng tiền Việt Nam có giá trị sử dụng thật sự, vấn đề không phải là “xiết’ hay mở.


Ðiều chính là nhà nước đáp ứng nhu cầu cần sử dụng ngoại tệ của người dân như chính tài sản sở hữu hợp pháp của họ. (P.L.)

MỚI CẬP NHẬT