Thursday, April 18, 2024

Nhiều địa phương chê máy móc lạc hậu nhập từ Trung Quốc


VIỆT NAM (NV) –
Hai Bộ Tài Chính và Khoa Học Công Nghệ đã chính thức đề nghị chính phủ Việt Nam dừng cho phép nhập cảng các loại máy móc, dụng cụ, công nghệ sản xuất thuộc 18 ngành nghề của Trung Quốc.









Nhà máy xi măng Long Thọ gây ô nhiễm trầm trọng tại thành phố Huế. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)


Mục đích của lệnh cấm này, theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhằm ngăn chận dòng máy móc cũ kỹ, lạc hậu và gây độc hại cho môi sinh cũng như sức khỏe con người từ Trung Quốc tràn sang.


Từ tháng 7 năm 2011, Trung Quốc công bố tin “dẹp tiệm” 2,255 công ty sử dụng máy móc và dây chuyền sản xuất lạc hậu làm tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm môi sinh. Tất cả các công ty này thuộc 18 ngành nghề như sản xuất thép, luyện than, sản xuất hợp kim, sản xuất xi măng, sản xuất giấy, bột ngọt và các nhà máy nhuộm, in ấn…


Khoảng tháng 8 năm rồi, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam đã lập tức chỉ thị các công ty, nhà máy tọa lạc tại tỉnh “không được nhập cảng các máy móc, thiết bị từ các nhà máy Trung Quốc bị dẹp tiệm.”


Tuy nhiên, mãi đến nay, tức gần 7 tháng sau thì hai bộ phủ Hà Nội mới có văn bản đề nghị nhà nước Việt Nam ra lệnh cấm nhập cảng thiết bị cũ kỹ, lạc hậu gây tác hại cho môi sinh và làm hao phí năng lượng.


Văn bản này được công bố có thể nói quá chậm chạp. Vì vậy, dư luận đang lo Việt Nam sẽ trở thành bãi rác chứa các máy móc phế thải của Trung Quốc.


Theo ông Phan Minh Tân, giám đốc Sở Khoa Học và Công Nghệ Sài Gòn hiện có đến 500 công ty, nhà máy đang hoạt động tại các khu chế xuất thuộc loại lạc hậu “từ vừa vừa đến kém.”


Báo Tuổi Trẻ trích lời của ông Tân cho rằng nhà nước Việt Nam cần phải “gác cổng cho chặt” để ngăn chận tình trạng nhập cảng tiếp diễn. Nói như vậy cũng có nghĩa là hoạt động nhập cảng máy móc lạc hậu của các nhà máy bị dẹp tiệm từ Trung Quốc sang Việt Nam đã xảy ra. Nhưng làm sao để giải quyết tình trạng “lỡ nhập” như thế, theo ông Phan Minh Tân thì “cứ gác cổng để khỏi nhập cảng tiếp rồi tính sau.”


Ông Tân cũng thú nhận rằng việc kiểm soát tình trạng máy móc của các công ty, nhà máy đóng tại Sài Gòn là việc có thể thực hiện được. Tuy nhiên, ông này cũng nói rằng việc buộc các công ty “lỡ nhập” ngưng sản xuất và loại bỏ các loại máy móc lạc hậu không phải là điều dễ dàng.


Ông Tân cũng xác nhận nhiều cơ sở dệt nhuộm tại Sài Gòn đang sử dụng máy móc cùng với dây chuyền sản xuất của các nhà máy bị “dẹp tiệm” tại Trung Quốc. (PL)

MỚI CẬP NHẬT