Tuesday, April 16, 2024

‘Nợ xấu’ bao phủ hệ thống ngân hàng Việt Nam

HÀ NỘI (NV) .- Cho một công ty đứng ra mua bán nợ xấu với số tiền nhỏ sẽ không đủ sức cứu hệ thống ngân hàng thương mại và nó còn cần phối hợp với các biện pháp khác.

 








Nhân viên Ngân hàng Thương Mại Á Châu (ACB) ngày 23/8/2012 chuẩn bị một lượng lớn tiền mặt chuẩn bị trả cho khách hàng đến hối hả rút tiền khi nghe tin tổng giám đốc ngân hàng bị bắt giam cùng nhiều người khác. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)


Theo một bản phúc trình về tình hình kinh tế tài chính của Việt Nam được Ngân Hàng Phát Triển Á Châu họp báo giới thiệu ở Hà Nội hôm Thứ Tư 2/10/2013, cơ quan này cho rằng biện pháp mà nhà cầm quyền Việt Nam đang thi hành nhằm cứu hệ thống ngân hàng thương mại là rất mù mờ. Nếu không giải quyết nổi vấn đề này, kinh tế Việt Nam sẽ triền miên trong mức tăng trưởng thấp.

Mới tuần trước, ngày 26/9/2013, một số kinh tế gia gồm cả những chuyên viên hàng đầu  họp nhau ở Huế tại “Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Thu” báo động rằng nền kinh tế Việt Nam “vẫn còn đang trong lộ trình xuống đáy”, như lời ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam.

ADB chỉ ra những khuyết điểm của biện pháp mà nhà cầm quyền CSVN đang thi hành qua Công Ty Mua Bán Nợ (VAMC) mà họ tin là “không đủ khả năng” giải quyết khối nợ xấu khổng lồ đang làm tê liệt hệ thống ngân hàng cả quốc doanh lẫn tư nhân.

“Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia của Ngân hàng này nêu ví dụ tiêu biểu về nợ xấu là trường hợp Vinashin. Tập đoàn này từng được vay vốn từ ngân hàng một cách dễ dàng và không có tài sản đảm bảo. Với những loại nợ xấu này, ADB đặt câu hỏi liệu VAMC có thể làm gì để xử lý.” theo bản tường thuật buổi họp báo ADB của VNExpress. 

Theo VNExpress “ADB khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường cơ sở pháp lý để có thể giải quyết nợ xấu. Ví dụ trong việc chuyển tài sản của các doanh nghiệp phá sản sang cho VAMC, các tài sản bảo đảm này lại nằm dưới sự điều chỉnh bởi các luật khác nữa, như tài sản bằng đất còn chịu sự kiểm soát của Luật Đất đai. Do đó vẫn chưa đủ hành lang pháp lý để các giao dịch này diễn ra. Hoặc trong cơ chế định giá và đấu giá các khoản nợ xấu, ADB cho rằng cơ sở pháp lý để định giá vẫn chưa rõ ràng, trong khi đây mới là điều quan trọng. Định giá hợp lý, phù hợp với giá thị trường thì mới hấp dẫn được các nhà đầu tư quốc tế.”

Hiện nay, không ai biết đích xác con số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam là bao nhiêu. Ở những thời điểm khác nhau, từ thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, đến Thanh Tra Ngân Hàng Nhà Nước, viên chức chính phủ nêu ra những con số nợ xấu trồi sụt cao thấp khác nhau.








Tổng nợ xấu của BIDV, Vietinbank, Vietcombank đến hết tháng 6-2013 là hơn 23,000 tỷ đồng. Trong biểu đồ này, không dụng chạm gì tới món nợ hơn 33,500 tỉ đồng nợ xấu của Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp (Agribank). (Hình: VNExpress)
Theo phúc trình của ADB được báo Tin Tức Việt Nam của Hội Trí Thức Trẻ thuật lại thì “các nhà phân tích độc lập cho rằng số nợ xấu sẽ tăng gấp 3-4 lần so với mức 6% mà ngân hàng Nhà nước tuyên bố, nếu áp dụng các chuẩn mực kế toán và trích lập dự phòng quốc tế”.

Vào ngày 12/7/2012, Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chánh Thanh Tra Ngân Hàng Nhà Nước CSVN họp báo cho biết “Tính đến 31/3/2012, nợ xấu là hơn 202,000 tỷ đồng (khoảng 9,69 tỷ đôla), chiếm 8,6% tổng dư nợ”.

Nhưng chỉ trước đó vài ngày, tức vào ngày 7/7/2012, chính ông thống đốc NHNN đưa  Nguyễn Văn Bình ra con số nợ xấu của các tổ chức tín dụng là “hơn 117,000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ.”

Tới đầu Tháng Ba 2013, theo VNExpress, lại cũng ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết tính đến cuối Tháng 2-2013, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng “đã giảm xuống còn 6%” nhờ các ngân hàng “tăng cường trích lập dự phòng rủi ro”. Không một chuyên viên tài chính nào tin vào cái lối giải thích kiểu “đánh bùn sang ao” đó vì nợ xấu chỉ giảm trên giấy báo cáo của các ngân hàng.

Rồi đến ngày 21/8/2013, VNExpress loan tin “Nợ xấu ngân hàng vẫn phình to trong quý II” mà nguồn tin này nói rằng “Trong 10 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý, có những trường hợp nợ xấu chiếm 5-9% tổng dư nợ tín dụng. Có đại gia quốc doanh một mình “cõng” gần 10,000 tỷ đồng nợ xấu.”

Tháng 5-2013 vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam cho thành lập Công Ty Mua Bán Nợ Xấu (VAMC) mua lại các món nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại. Mãi đến ngày 1/10/2012 VAMC mới mua món nợ xấu đầu tiên là của Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp (Agribank). VAMC dự trù phát hành trái phiếu đặc biệt với giá trị 1,723 tỉ đồng để mua món nợ xấu 2,534 tỉ đồng của ngân hàng quốc doanh này.

Agribank đang ôm một núi nợ xấu cao nhất trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Nó được mô tả là khoảng 33,500 tỉ đồng hay khỏang 24% của toàn bộ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Cái số nợ mới bán được đó chỉ giúp Agribank giảm có 7.56% của tổng số nợ xấu, tức ngân hàng này vẫn ngập đầu trong nợ xấu.

Theo tờ Thời Báo Ngân Hàng, VAMC chỉ dự trù mua thêm nợ xấu của các ngân hàng khác như SHB, SCB, Navibank từ nay đến cuối năm và số tiền đổ ra tổng cộng không quá 30,000 tỉ đồng.

Trong bản phúc trình, ADB không những khuyến cáo chế độ Hà Nội về giải quyết nợ xấu ngân hàng, họ còn thúc hối cải cách gấp rút hệ thống quốc doanh xưa nay nổi tiếng “lời giả lỗ thật” đang trì kéo cả  nền kinh tế. (TN)

MỚI CẬP NHẬT