Saturday, April 20, 2024

Nông dân Nam Ðịnh biểu tình đòi đất


NAM ÐỊNH (NV) –
Nông dân Nam Ðịnh bị nhà cầm quyền cưỡng chế lấy đất bán cho các doanh nghiệp kiếm lời, đẩy họ vào vòng nghèo đói, tới biểu tình trước trụ sở Ủy Ban Nhân Dân tỉnh.

Nông dân Nam Ðịnh biểu tình trước trụ sở UBND tỉnh. (Hình: Nữ Vương Công Lý)

Theo một bản tin của Nữ Vương Công Lý hôm Thứ Sáu, suốt nhiều ngày qua, nông dân đã tụ tập ở trước trụ sở UBND tỉnh Nam Ðịnh đòi công bằng. Họ từng bị nhà nước cưỡng đoạt hết đất đai sản xuất với giá đền bù rẻ mạt. Sau đó, nhà cầm quyền bán lại cho các công ty, xí nghiệp với giá cao hơn gấp bội để kiếm lời trong khi nông dân thì gần như bị mất trắng.

Theo tin NVCL, họ yêu cầu gặp nhà cầm quyền để đối thoại nhưng bị từ chối. Những người biểu tình cho biết: “Họ sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi nhà cầm quyền chịu đối thoại với họ, hoặc trả lại sự công bằng cho họ.”

Cảnh sát đã tìm mọi cách ngăn cấm, không cho những người đi đường đứng lại xem hay chụp hình, với lý do: “Vì đây là vấn đề nhạy cảm.”

Ngày 23 tháng 2, 2012 , ông Nguyễn Ngọc Trìu, một phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nông Nghiệp thời thập niên 1980, phát biểu trên báo Tiền Phong rằng “một số người giàu nhanh nhờ chính sách đất đai.”

“Vừa qua, một số nơi thu hồi đất của nông dân giá rất rẻ, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng, cho doanh nghiệp chia lô, bán nền là giá tăng gấp 10-15 lần. Chính sách như vậy sẽ làm giàu cho một số người mà làm nghèo nông dân. Tôi về nông thôn, có nông dân nói tại sao lại lấy đất của nông dân chia cho người giàu. Ðến dự khởi công một công trình tại Hà Nội, trong khi bên trong là lễ khởi công, bên ngoài là những nông dân khiếu kiện.” Ông Trìu nói trong cuộc phỏng vấn. “Người nông dân chỉ biết làm ruộng chứ có biết đi buôn, tiền đền bù xây được cái nhà là hết. Ðô thị hóa, công nghiệp hóa là phải lấy đất nông nghiệp nhưng làm sao phải giải quyết hài hòa lợi ích của nông dân. Ðền bù không phải chỉ bằng tiền mà phải giúp nông dân có nghề để làm ăn. Khi tôi ở Thái Bình, làm dự án nhà máy điện lấy 300 ha đất lúa, bình quân ở Thái Bình 500 m2 đất/người, như vậy là 6,000 người già, trẻ, gái, trai không còn ruộng đất.”

Nông dân Dương Nội, Văn Giang và tỉnh Ðắc Nông biểu tình trước 35 Ngô Quyền, Hà Nội sáng 21 tháng 2, 2012. (Hình: Nữ Vương Công Lý)

Vụ cưỡng chế trái luật của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng hiện vẫn là đề tài bàn luận sôi nổi khắp nơi. Hồi đầu tuần này, hơn trăm nông dân ở tỉnh Ðắc Nông, Dương Nội (Hà Ðông) Văn Giang (Hưng Yên) đã kéo nhau về Hà Nội biểu tình tập thể phản đối chính sách cướp đất của họ. Hàng đoàn nông dân từ các tỉnh trên cả nước từng kéo về Hà Nội hy vọng khiếu kiện ở trung ương sẽ được “đèn trời soi xét.” Nhưng tất cả đều bị đuổi ngược trở về hoặc nằm vạ nằm vật ở một vài công viên, hay thuê phòng trọ ở tạm từ năm này sang năm khác, theo đuổi khiếu kiện trong vô vọng. (TN)

MỚI CẬP NHẬT