Friday, March 29, 2024

Ông Nguyễn Tấn Dũng lại đề nghị Mỹ bỏ cấm vận vũ khí

NEW YORK (NV) .- Trả lời Bloomberg, một hãng tin tài chính của Hoa Kỳ, khi đến New York tham dự một khóa họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng CSVN lập lại đề nghị Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận vũ khí.








Khu trục hạm USS Chung Hoon trang bị hỏa tiễn thuộc Đệ thất Hạm Đội Hoa Kỳ từng đến thăm viếng cảng Tiên Sa tại Đà Nẵng hai lần mà lần sau vào Tháng Tư 2013. Cùng tới Tiên Sa dịp này là tàu cứu hộ USS Salvor. (Hình: VNExpress)


Ngoài đề nghị vừa kể, trong cuộc phỏng vấn này, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại châu Á vì: “Hoa Kỳ là một cường quốc toàn cầu và cũng là một cường quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự hiện diện thích hợp của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải”.


Ông Dũng cho rằng, khi quan hệ quân sự, quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển cùng lúc với quan hệ kinh tế, thương mại, Hoa Kỳ nên bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam bởi duy trì cấm vận vừa “không hợp lý”. vừa mang tính chất “phân biệt đối xử”, “thể hiện một thái độ thiếu tin tưởng”. Ông nói thêm rằng, chưa chắc Việt Nam sẽ hỏi mua vũ khí của Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn muốn điều đó vì nó “thể hiện sự tin tưởng lẫn nhau”.


Có một số dấu hiệu cho thấy, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam càng ngày càng gắn bó hơn. Năm ngoái, ông Leon Panetta, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã tới thăm Việt Nam. Năm nay, ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm đã nhận lời mời đến thăm Việt Nam vào năm tới.


Trong một thông cáo báo chí phát hành hồi cuối tháng tám, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, cho biết, ông Hagel vừa nhắc lại cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng song phương Hoa Kỳ – Việt Nam với người tương nhiệm phía Việt Nam khi gặp ông nay tại Brunei.


Hãng tin Bloomberg, cho biết, ông Mark Manyin, một chuyên gia về châu Á, từng nêu trong một nghiên cứu gửi Quốc hội Hoa Kỳ rằng, chính quyền Hoa Kỳ từng xác định Việt Nam là một trong những đối tác mới mà Hoa Kỳ cần tranh thủ trong khuôn khổ chủ trương tái cân bằng chiến lược và kinh tế qua vùng châu Á.


Ông Nguyễn tấn Dũng thì khẳng định, Việt Nam sẵn sàng gác lại quá khứ và hứa cùng nhau làm việc hướng tới tương lai vì mục tiêu chung của hai bên là hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên cơ sở bình đẳng để hai bên cùng có lợi và cùng phát triển.


Hồi tháng 7 vừa qua, khi đến thăm Hoa kỳ, ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch Nhà nước Việt Nam, cũng đã từng công khai bày tỏ hy vọng, Hoa Kỳ sẽ đồng ý bán vũ khí cho Việt Nam. Tuy nhiên các chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định, điều đó chưa thể xảy ra vào lúc này.
 
Vào thời điểm đó, khi trò chuyện với BBC, bà Catharin Dalpino, người từng là Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, được xem như một chuyên gia về an ninh ở khu vực Đông Nam Á, nhận định rằng, chính giới Hoa Kỳ không ủng hộ việc bán vũ khí cho Việt Nam.


Qua cuộc phỏng vấn của AP,  Chủ tịch Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, bây giờ là lúc để bình thường hóa quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, trong đó có mua bán vũ khí sát thương. Ông Sang thừa nhận “có khác biệt” giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về nhân quyền, song ông Sang cho rằng đó là điều “hoàn toàn bình thường”.


Bà Dalpino không nghĩ như vậy. Bà giải thích chuyện bán vũ khí của Hoa Kỳ là vấn đề phụ thuộc vào cả chính phủ lẫn Quốc hội Hoa Kỳ. Quyết định bán vũ khí thường được gắn với nhân quyền.


Thời gian vừa qua, nhiều chính khách Hoa Kỳ ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện liên tục bày tỏ sự bất bình, khi Việt Nam liên tục thực hiện nhiều hành vi xâm hại nhân quyền. Mới đây, Ông Edward Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ và chín dân biểu khác vừa gửi thư cho Chủ tịch Nhà nước Việt Nam, đề nghị trả tự do cho ông Lê Quốc Quân – người sắp bị đưa ra xử về tội “trốn thuế”.


Trong thư gửi ông Trương Tấn Sang, đề nghị trả tự do cho ông Lê Quốc Quân, mười dân biểu của Hạ viện Hoa Kỳ nhận định, cáo buộc ông Quân “trốn thuế” có “động cơ chính trị và các bằng chứng chống lại ông Quân được chính quyền ngụy tạo”. Cũng vì vậy, mười vị dân biểu này bày tỏ sự lo ngại là “trường hợp của ông Quân không phải cá biệt” trong số các vụ xử những người lên tiếng vì nhân quyền ở Việt Nam.


Mười dân biểu của Hạ viện Hoa Kỳ đã nhắc lại những tuyên bố của ông Sang khi ông này đến thăm Hoa Kỳ và thúc giục ông Sang trả tự do cho ông Quân cũng như các tù nhân chính trị khác, đồng thời “ngưng bắt và giam giữ những công dân có các lời kêu gọi và biểu đạt ôn hòa”. (G.Đ)


 


 

MỚI CẬP NHẬT