Thursday, March 28, 2024

Phôi nấm bào ngư chết, nông dân miền Tây khóc ròng



TIỀN GIANG (NV) Hàng trăm trại trồng nấm bào ngư ở các tỉnh miền Tây như đang lao đao vì mua phải bịch phôi nấm chết, trong khi tiền lãi từ vốn vay mượn để sản xuất cứ “ lãi mẹ đẻ lãi con.” 



Tiền phôi, công sức mấy tháng trời, trại nấm bỏ không vì cạn tiền để đầu tư phôi mới khiến nhiều nông dân lao đao. Thế nhưng nơi cung cấp phôi, meo nấm lại đùn đẩy trách nhiệm, không thống nhất phương án đền bù.





 



Anh Khoa thất vọng trước ngàn hàng ngàn bịch phôi nấm chết. (Hình: báo Tuổi Trẻ)



Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Trần Ðăng Khoa ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết mình là một trong nhiều người dân bị thiệt hại nặng do 14,000 bịch phôi nhập về không cho nấm, bao nhiêu vốn liếng gồm tiền cưới và vay mượn thêm được hơn 120 triệu đồng để xây nhà trồng và mua phôi, nhưng nay đã đổ bỏ đến 90%, số còn lại vẫn không bịch nào ra nấm.



Mới chập chững bước vào nghề nấm chưa kịp thấy được đồng lời, ông Nguyễn Văn Minh ở Mỏ Cày Bắc, Bến Tre đã nhận một vố đau. Theo ông Minh, để mua được 10,000 phôi ông phải đi vay nóng hơn 50 triệu đồng.



“10,000 phôi nhưng phải đổ bỏ gần hết nên thu chưa được 5kg nấm, trong khi năng suất nấm trung bình đợt đầu phải trên 400kg. Với giá nấm hiện nay khoảng 35,000 đồng/kg, tôi đã mất một khoản tiền lớn,” ông Minh chua chát nói với ký giả báo Tuổi Trẻ.



Hầu hết hộ nông dân có phôi bị hư hỏng thiệt hại ở Tiền Giang, Bến Tre, Long An… đều lấy nguồn của Trung Tâm Nghiên Cứu ƯÔng Dụng và Dịch Vụ Khoa Học Công Nghệ Tiền Giang. 



Không chỉ có nông dân, nhiều cơ sở sản xuất cung ứng phôi, cơ sở sản xuất phôi nấm đang khóc ròng vì lượng phôi bị thiệt hại lên đến hàng trăm ngàn bịch.



Mất hơn 400 triệu đồng vào mười lứa phôi thất bại với hơn 100,000 bịch phôi đổ bỏ, ông Nguyễn Thanh Nhàn, thành phố Tân An, Long An cho biết, meo lấy của trung tâm này chết từ đầu năm nhưng trung tâm không nhận trách nhiệm khiến cơ sở tin tưởng nhập meo tiếp. Thế nhưng các tháng tiếp theo meo vẫn chết với số lượng ngày càng nhiều…



Theo ông Nhàn, hiện nơi cung cấp meo cho biết chỉ bồi thường tiền meo từ tháng 5 đến tháng 7, ông và nhiều cơ sở khác có thể chấp nhận số lượng meo bị thiệt hại dù thực tế lớn hơn rất nhiều, nhưng không đồng ý với cách tính của Trung Tâm Nghiên Cứu ƯÔng Dụng và Dịch Vụ Khoa Học Công Nghệ Tiền Giang. 



Trong khi đó, với hơn 220,000 bịch phôi bỏ cho nông dân bị hư hại, ông Nguyễn Văn Tân ở Chợ Gạo, Tiền Giang, dù chỉ làm đại lý trung gian nhưng mấy ngày qua không dám nghe điện thoại bởi hàng chục khách hàng ở các tỉnh phẫn nộ. (N.T)

MỚI CẬP NHẬT