Friday, April 19, 2024

Phóng Viên Không Biên Giới đòi thả nhà báo Hoàng Khương


SÀI GÒN (NV) –
Tổ chức bảo vệ người cầm bút trên thế giới “Phóng Viên Không Biên Giới” (RSF) kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội trả tự do tức khắc cho nhà báo Hoàng Khương mới bị bắt ngày 2 tháng 1, 2012 chỉ vì ông tham dự vào một vụ ‘gài bẫy’ để phơi bày một đường dây ăn hối lộ của công an ở Sài Gòn.










Phóng viên Hoàng Khương (ngồi giữa) được đưa về trại giam Chí Hòa. (Hình: Ðất Việt)


Dư luận ở Việt Nam đang đặc biệt chú ý tới việc công an bắt giam để “điều tra làm rõ hành vi đưa hối lộ” nhân chuyện ký giả Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ viết một số bài phóng sự điều tra về hành vi ăn hối lộ của cảnh sát giao thông ở Sài Gòn.


“Ðồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép” là hai bài điều tra của Hoàng Khương xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ vào các ngày 5 và 10 tháng 7, 2011. Các bài này viết về tình trạng ăn hối lộ của cảnh sát giao thông nhiều nơi từ Sài Gòn đến Ðồng Nai, trong đó thượng úy CSGT Huỳnh Minh Ðức chỉ là một.


Hoàng Khương dùng máy ảnh chụp được cả hình ông thượng úy Ðức ngồi đếm tiền hối lộ trong một vụ điều đình “giải cứu” một chiếc xe bị giam với giá “15 chai” (15 triệu đồng).


“Khương không nên bị truy tố tội đưa hối lộ vì những gì ông ta làm trong quá trình điều tra bí mật”. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới viết trong bản tuyên bố phổ biến hôm Thứ Tư 4 tháng 1, 2011. “Nhà cầm quyền nên trả tự do cho ông ngay tức khắc.”


RSF nói thêm rằng ông Hoàng Khương bí mật điều tra nạn tham nhũng trong hệ thống công an “chỉ vì ích lợi của nhân dân”.


Cho đến ngày 18 tháng 11 năm 2011, sau loạt bài của Hoàng Khương, thượng úy Huỳnh Minh Ðức bị cách chức rồi bị truy tố về tội nhận hối lộ. Nhưng vụ việc không dừng ở đây mà công an lại bắt luôn nhóm người gài bẫy để phơi bày tệ trạng tham nhũng của guồng máy.


Tôn Thất Hòa, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Duy Nguyên, một ông “cò” bị bắt về tội “môi giới hối lộ” và Trần Anh Tuấn, một người chủ xe bị bắt về tội “Ðưa hối lộ”.


Ðến đầu năm nay thì ký giả Hoàng Khương bị bắt, rồi một ngày sau, bắt luôn em vợ của Khương là Nguyễn Ðức Ðông Anh.


Báo Công An Nhân Dân, nói rằng ký giả Hoàng Khương “đã cùng các đối tượng liên quan bàn tính kỹ càng từ trước những nội dung nhằm mục đích có lợi cho bản thân mình và em vợ mình”.


Trong bản tường trình vụ việc của Hoàng Khương được một số trang mạng đăng tải, ông đã trình bày lại diễn tiến vụ việc gài bẫy Huỳnh Minh Ðức “mục đích là thu thập hồ sơ, chứng cứ về quy trình xử lý xe vi phạm để từ đó phát hiện hành vi sai trái của một bộ phận CSGT để viết bài”.


Hơn nữa “đề tài về xử lý vi phạm, xử lý tai nạn giao thông nằm trong kế hoạch thực hiện tuyến bài ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông của tòa soạn và đã được trưởng ban triển khai cho Khương. Trong quá trình tác nghiệp và hoàn thành khâu hồ sơ, chứng cứ, Khương đều báo cáo tiến độ với trưởng ban và được trưởng ban đồng ý.”


Tuy nhiên, trong hoạn nạn của ký giả của mình, tổng biên tập và cả tờ báo Tuổi Trẻ cho đến nay không hề có một bài viết nào bảo vệ cho ký giả Hoàng Khương, mà chỉ đưa tin ngắn gọn và nói Hoàng Khương nhìn nhận “sơ sót” khi “tác nghiệp”.


Trên một số diễn đàn thông tin Internet đăng tải các bản tin liên quan đến vụ án Hoàng Khương, có hàng trăm những lời phát biểu phẫn nộ với tính cách trả thù của chế độ Hà Nội, hậu thuẫn cho công an, nhằm khóa tay những kẻ dám phơi bày mặt trái lem luốc của guồng máy cầm quyền tại Việt Nam.


Trái với sự nín lặng của những kẻ cầm đầu tờ Tuổi Trẻ, một trong những tờ báo có số bán nhiều nhất tại Việt Nam, tờ Pháp Luật và Xã Hội, cơ quan tuyên truyền của “Sở Tư Pháp Hà Nội” lại còn đăng ý kiến của Luật Sư Vũ Lợi, giám đốc công ty luật Hòa-Lợi nói rằng “Phóng viên Hoàng Khương không có động cơ phạm tội. Hoàng Khương đã thâm nhập vụ việc với mục đích chống tiêu cực”.


Tờ PL&XH cũng nêu ý kiến của Luật Sư Trịnh Anh Dũng – trưởng VPLS Trịnh, Ðoàn Luật Sư TP. Hà Nội cho rằng “Về lý luận pháp lý, chỉ có thể coi một người phạm vào tội đưa hối lộ khi hành vi đưa tiền cho người có chức vụ, quyền hạn của người đó xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức đó bị thoái hóa, biến chất. Trong vụ việc này, việc PV Hoàng Khương cùng Trần Anh Tuấn đưa tiền cho Hòa để Hòa đưa cho Huỳnh Minh Ðức (nguyên cán bộ công an), lấy đó làm tư liệu để viết và đăng các bài báo chống tiêu cực có thể xem là hành động dũng cảm, có tác dụng giúp công an TP. Sài Gòn hoạt động đúng đắn hơn, phẩm chất cán bộ được nâng cao, khiến nhân dân thêm tin vào cơ quan quản lý”. Do đó, Luật Sư Dũng cho rằng “Việc làm này của PV Hoàng Khương không có dấu hiệu phạm tội đưa hối hộ, mà còn cần phải biểu dương như là tấm gương tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống tham nhũng”.










Thượng úy Huỳnh Minh Ðức nhận 10 triệu đồng để giải cứu chiếc xe vi phạm biển số 51F6-2435. (Hình: Tuổi Trẻ – Hoàng Khương)


Hoàng Khương, tên thật là Nguyễn Văn Khương, 39 tuổi, phóng viên nội chính nhiều tuổi nghề của báo Tuổi Trẻ từng viết rất nhiều bài về nạn ăn hối lộ của công an cảnh sát CSVN. Nếu bị kết án, ông có thể bị phạt theo điều 289 của bộ luật Hình Sự CSVN với bản án từ 1 năm đến chung thân tùy vào tính chất, hậu quả của hành vi. Nếu không có người chống lưng, ông khó tránh được tù tội.


Chuyện bắt giam Hoàng Khương làm người ta nhớ lại một ký giả khác của tờ Tuổi Trẻ (Nguyễn Văn Hải) và một ký giả của tờ Thanh Niên (Nguyễn Việt Chiến) từ bị kết án khi viết các bài liên quan đến vụ tham nhũng ở Bộ Giao Thông Vận Tải năm 2008. Nguyễn Văn Hải chỉ bị 24 tháng tù “không giam giữ” nhưng Nguyễn Việt Chiến thì bị 2 năm tù giam. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT