Thursday, March 28, 2024

Phú Yên: Cưỡng chế đưa dân vào chợ ‘nông thôn mới’


PHÚ YÊN (NV)
Chính quyền xã Hòa Thành, huyện Ðông Hòa cho hay phải cưỡng chế dồn hết người buôn bán ở khu vực chợ cũ vào chợ mới là để “hoàn thành nông thôn mới.”

Ngày 12 tháng 11, tờ Pháp Luật Sài Gòn loan tin, liên tiếp trong những ngày qua, người dân ở xã Hòa Thành, huyện Ðông Hòa, bất bình, tức giận trước việc chính quyền xã này tổ chức nhiều đoàn cưỡng chế người mua bán ở chợ cũ ép phải tập trung vào chợ Hòa Thành vừa xây xong hồi cuối tháng 10.


Chợ mới Hòa Thành khá khang trang nhưng vắng vẻ. (Hình: Pháp Luật Sài Gòn)

Theo chính quyền xã, chợ này được xây dựng với kinh phí 2.1 tỷ đồng, là một trong những tiêu chí cuối cùng để “Hòa Thành – xã điểm của huyện Ðông Hòa – hoàn thành xây dựng nông thôn mới.”

Nói với báo Pháp Luật Sài Gòn, ông Nguyễn Trãi, chủ tịch xã Hòa Thành khẳng định, vì để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nên chủ trương của xã là kiên quyết dồn hết vào đầu mối chợ Hòa Thành mới để sắp xếp trật tự, ổn định.

Về phản ứng của người dân, ông Trãi cho rằng: “…là do nhiều hộ không muốn thay đổi thói quen buôn bán cạnh khu vực chợ Vùng Trung cũ, trong khi đó việc này ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường liên thôn. Do đó, xã buộc phải tổ chức cưỡng chế.”

Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây cho hay, sau khi khánh thành chợ mới Hòa Thành, chính quyền đã giải tỏa chợ Vùng Trung, vốn là nơi mua bán hàng chục năm nay để dồn tất cả vào chợ mới.

Không đồng tình, hàng trăm người dân thôn Phước Bình Bắc đồng ký tên vào đơn tập thể, gởi ủy ban tỉnh Phú Yên kiến nghị giữ lại chợ Vùng Trung vì cho rằng, lâu nay chợ Vùng Trung đã tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày cho hàng trăm hộ dân, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương khi họ được thuận tiện mua bán gia súc, gia cầm, rau quả do gia đình tự nuôi trồng nhất là người già yếu, những gia đình neo đơn.

Trong khi đó, chợ mới Hòa Thành lại xa, đi lại bất tiện, rất nhiều gia đình không đủ điều kiện để thuê sạp. Người dân cũng cho rằng các xã bên đều cho tồn tại các chợ cũ, mới với nhau và đều hoạt động tốt, sao chính quyền xã phải ép dân vào hết chợ mới?

Theo mô tả của phóng viên Pháp Luật Sài Gòn, hàng trăm lô sạp chợ Hòa Thành còn để trống, nhiều khu vực chưa được sử dụng, ít người đến mua bán. “Lô sạp được bố trí trật tự hơn, sạch sẽ hơn nhưng hằng ngày hàng hóa bán ế lắm vì rất ít người đến mua. Người dân ở đây vẫn còn quen mua bán ở chợ Vùng Trung vì đi lại gần, chở hàng hóa thuận tiện hơn,” bà Cao Thị Mận, tiểu thương chợ mới cho hay. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT