Thursday, April 18, 2024

Phụ việc người đi câu, nghề hái ra tiền

 


SÀI GÒN (NV) – Xuất phát từ nhu cầu ngày càng đông của người chọn môn câu cá để giải trí, các ông bà chủ nhà vùng ngoại thành đã “nâng cấp” dịch vụ cho thuê ao, hồ câu cá bằng cách cho mướn cả “osin.”

Theo báo Lao Ðộng, người được thuê giúp việc cho người cầm cần câu cá được gọi là “osin” cho “cần thủ.”









Người “Ôsin” luôn túc trực bên cạnh để phục vụ “chủ” câu cá khi cần. (Hình: báo Lao Động)


Ông chủ ao Xuân Quang, huyện Nhà Bè cho biết, vừa cất nhắc một nhân viên làm việc lâu năm là Nguyễn Phước Thắng, 22 tuổi làm tổng quản lý ao cá kiêm nhà tổ chức các cuộc thi dành cho “cần thủ.” Với chức vụ mới này, mức lương của Thắng từ 2.5 triệu đồng/tháng, tương đương 125 đô, lên 3.5 triệu đồng/tháng, tương đương 175 đô.

Tổng quản lý Thắng cho biết, nghề “osin” mới nghe qua tưởng dễ làm, nhưng không đúng vậy. Ðể làm “vui lòng khách đến hài lòng khách đi,” “ôsin” phải làm việc rất vất vả. Người “osin” giỏi của một người câu cá phải biết nhận dạng đúng con cá ngay khi nó vừa bị mắc câu dưới nước. “Osin” còn phải biết cách giúp các “cần thủ” gỡ cá khỏi lưỡi câu mà không bị hụt; biết chăm sóc cá v.v… Không những vậy, họ phải thuộc nằm lòng tính cách, sở thích của các thân chủ quen để phục vụ cho tốt.

Theo Thắng, “có nhiều cách làm hài lòng các cần thủ và làm cho họ thoải mái để vui vẻ chi tiền tip.” Ngược lại, nếu không may để khách phàn nàn, nhất là làm sẩy mất cá thì “osin” phải đền tiền.

Một “ôsin” khác làm việc tại ao cá Bờ Sông, thuộc huyện Bình Chánh cho biết, thời gian làm việc của ông kéo dài 10-12 tiếng một ngày với mức lương 3 triệu đồng/tháng, tương đương 150 đô. Lương không cao nhưng nếu cố gắng giúp việc “cần thủ” một cách tận tình, theo ông, có nhiều cơ may được tăng thu nhập dễ dàng. “Ôsin” Quang cho biết, người đi câu rất thích được hướng dẫn cách chế mồi lạ để cá dễ mắc câu, hoặc chỉ cách mua nguyên liệu…

Theo ông Quang, trong giới đi câu cá có nhiều người chỉ nhằm giải khuây chứ không cần đưa cá vào lưỡi móc. Họ tham gia các cuộc thi câu, thắng hay thua cuộc, cũng đều tưởng thưởng cho “osin.” Quang cho biết: “Tất cả osin sống nhờ nguồn thu nhập chính này, có tháng nhiều gấp 3 lần tiền lương.”

“Osin” Quang cho biết thêm: “Tiền lương chủ trả chỉ là tiền lẻ so với số tiền anh em kiếm được trong ngày.” Dù vậy, theo ông, số tiền đó chưa thấm vào đâu so với sức lao động và thời gian đã bỏ ra. Chưa kể, vào những ngày nước thủy triều dâng, anh em phải thay nhau thức canh con nước. Nếu chẳng may bờ cá bị vỡ thì mọi người làm việc cả năm cũng không trả hết nợ cho chủ. (PL)

MỚI CẬP NHẬT