Thursday, March 28, 2024

Pizza ‘made in Vietnam’ trước cổng trường

 


Trần Tiến Dũng/Người Việt


SÀI GÒN Người Việt Nam ở Mỹ rất quen với một loại bánh gốc Ý với nhiều biến thể ở phần nhân bên trên tùy ý thích, còn phần tấm bánh bột mì bên dưới gần như giống nhau.


Khi bắt gặp món ăn này, được bán ở một trường tiểu học thuộc quận 11, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Người bán nói đây là bánh “piza” Việt Nam!








Bà bán bánh “pizza” kiểu Việt Nam, đang làm trong khi “khách hàng nhí” đợi trước trường học. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)


Trước mắt chúng tôi, cả một lò nướng và tất cả các loại thực phẩm làm bánh được bày biện gọn gàng trên một chiếc xe đạp. Ðể cho ra lò một cái bánh “piza” Việt Nam, trước tiên người bán sẽ lấy miếng bánh tráng bột gạo, loại bánh tráng để cuốn bò nhúng giấm, gỏi cuốn… Miếng bánh tráng được trét một ít bơ thực vật, cho vào một ít hành lá xắt nhuyễn, một ít tôm khô hoặc con ruốc, vừa khi để bánh tráng lên lò nướng, người bán đập 2 quả trứng chim cút, nhanh tay tráng đều quanh bánh tráng, chờ cho lòng đỏ, lòng trắng trứng chín theo kiểu “ốp la” thì bỏ thêm món thịt heo bầm. Khi bánh vừa chín đều, người bán xịt nước xốt cà, tương ớt và “mayonaise” lên bên trên.


Tất cả công đoạn làm một cái bánh “piza” Việt Nam chỉ đơn giản như vậy, nhưng sản phẩm thì đúng là ngon lành. Giá một cái bánh tùy theo số trứng; bánh hai trứng năm ngàn đồng, ba trứng bảy ngàn đồng.


Người phụ nữ chuyên bán bánh này là người mẹ đơn thân nuôi hai đứa con gái. Chị cho biết, chị không rành ai chế món này, thấy người ta bán thì học, nhờ cái lò bánh “pizza” trên chiếc xe đạp này mà gia đình chị kiếm lời đủ ăn.


“Trước đây người lớn không cho tụi nhỏ ăn bánh, họ sợ lung tung nhưng học trò ưa lắm. Tụi nó đi học thêm, ăn mấy món khác đâu có bổ bằng bánh của tui.” Chị nói.


Người Sài Gòn sành ăn đều biết món pizza chính hiệu bán đầy ở khu phố Tây hay những khu giàu có thời thượng. Kể về món “pizza made in Việt Nam” này, chúng tôi không có ý bàn về chuyện vệ sinh thực phẩm, vì nói tới lãnh vực này thì ở cả Việt Nam, từ nhà hàng sang trọng cho đến tiệm quán, có ai dám bảo đảm vệ sinh chắc ăn đâu.


Nhưng bàn về chuyện sáng chế món ăn thì “pizza” Việt Nam quả là đáng nể. Bánh tráng thành một thứ bột bánh, trứng cút thay hột gà, thịt heo bầm thay các loại nhân thịt bò, phô mai, hải sản…


Chúng tôi nhờ người phụ nữ bán bánh nướng cho một cái giá bảy ngàn đồng để ăn thử, đó là cách tốt nhất để biết “pizza” Việt Nam có ngon không. Cảm giác khi ăn là trứng cút, thịt heo, tôm khô làm nhân bánh đậm đà khẩu vị Việt, các loại nước xốt làm món bánh có mùi vị Pizza Tây, nhưng độc đáo nhất là lớp bánh tráng nóng, giòn, thơm ngon khó tả.


Một món ăn bình dân mới không dễ gì tìm được tác giả nhưng chúng tôi vẫn cứ tò mò, từ nhu cầu nào mà người bán hàng rong sáng chế món ăn nổi tiếng và quen thuộc toàn thế giới của người Ý thành một món bánh “đặc sệt” Việt Nam? Chúng tôi nói chuyện với một giáo viên về hưu, ông cho biết: Nếu ai có dịp quan sát giờ trước khi vào học và sau khi tan học ở các cổng trường sẽ thấy cảnh những nạn nhân bị chính phụ huynh ép ăn, ép uống nhằm cho các em lót dạ để các em kịp đến các lớp học thêm. Vì vậy, ngoài những món thông thường như cá viên chiên, bánh mì, xôi, bắp xào… thì thế hệ những đứa trẻ đang còng lưng học thêm cần có món mới ngon miệng, dễ nuốt.


Dù đồng tình hay không, với nhận xét này, người ta cần rộng mở khẩu vị đón nhận món bánh “pizza” Việt Nam. Biết đâu đến một lúc nào đó món bánh này sẽ được chế biến tươm tất, đa dạng hơn trong gia đình, quán ăn và trở thành một món phổ biến trong thực đơn “ăn chơi” của người Sài Gòn.

MỚI CẬP NHẬT