Thursday, March 28, 2024

Quốc tang kết thúc sớm để đón thủ tướng Trung Quốc


HÀ NỘI (NV) –
Ông Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc, vừa đến Việt Nam chiều ngày 13 tháng 10 chỉ vài giờ sau khi quốc tang dành cho ông Võ Nguyên Giáp kết thúc.

Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng (phải) gặp Thủ Tướng Lý Khắc Cường ở hội nghị Davos năm 2010, Thụy Sĩ, khi ông này còn là phò thủ tướng Trung Quốc. (Hình: VOV)

Tuy việc chôn cất ông Võ Nguyên Giáp – đại tướng, người thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam – đến 5 giờ chiều ngày 13 tháng 10 mới hoàn tất nhưng quốc tang dành cho ông Giáp đã kết thúc trước đó năm tiếng (12 giờ trưa ngày 13 tháng 10). Người ta tin rằng, việc chấm dứt quốc tang sớm là nhằm giữ nguyên kế hoạch tiếp đón thủ tướng Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc sẽ ở Việt Nam cho đến ngày 15 tháng 10. Trước đó, ông Lý Khắc Cường đã dự hội nghị Đông Á ở Brunei và ghé thăm Thái Lan.

Ngay trong ngày 13, ông Cường đã hội đàm ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng CSVN và theo sự sắp xếp từ trước, ông Cường sẽ tiếp tục gặp gỡ ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng CSVN, ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch Nhà nước và ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội.

Về hình thức bên ngoài, chuyến thăm Việt Nam lần này của thủ tướng Trung Quốc nhằm thảo luận về hợp tác kinh tế Việt – Trung. Những gì thật sự phải thảo luận giữa hai bên, không thấy được tiết lộ vào thời điểm các tranh chấp chủ quyền biển đảo vẫn còn nguyên.

Tháng trước, ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, đã bày tỏ mong muốn “cải thiện toàn diện các mối quan hệ với Việt Nam” khi gặp ngoại trưởng CSVN, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc hôm 26 tháng 9.

Theo Tân Hoa Xã, khi trao đổi với ông Phạm Bình Minh, ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh yếu tố Việt Nam và Trung Quốc là “láng giềng” và Trung Quốc “rất quan tâm tới mối quan hệ với Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam tạo ra các quan hệ cao cấp song phương gần gũi hơn, sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, kiểm soát các vấn đề nhạy cảm, tăng cường hợp tác – phối hợp trong các vấn đề của khu vực và quốc tế, cũng như nâng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên mức cao hơn”.

Trước đó khoảng nửa tháng, trong cuộc gặp bộ trưởng Quốc phòng Nhật khi ông này đến thăm Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức “đề nghị Nhật hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong hiện đại hóa trang thiết bị của lực lượng cảnh sát biển”.

Ở cuộc gặp đó, thủ tướng Việt Nam còn nhấn mạnh, ”Việt Nam đặc biệt coi trọng quan hệ đối tác chiến lược với Nhật” và hy vọng bộ quốc phòng hai quốc gia sẽ “tiếp tục thắt chặt quan hệ”.

Cả Nhật lẫn Việt Nam đều đang phải đối phó với các tuyên bố cũng như các hành động nhằm mở rộng yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang tìm cách mở rộng “hợp tác về quốc phòng”, sau khi liên tục nhượng bộ nhưng vẫn tiếp tục bị Trung Quốc chèn ép và bị dân chúng Việt Nam chỉ trích bởi “nhu nhược, hèn yếu” đối với việc bảo vệ chủ quyền.

Ngoài những thỏa thuận với Nhật, Việt Nam còn cam kết “tăng cường hợp tác quốc phòng”, “cùng nhau phát triển khả năng quốc phòng” với Philippines và gia tăng thăm viếng, hội đàm, tìm kiếm những thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật, Nam Hàn, Ấn Độ, Nga.

Hồi tháng tám năm nay, hai bộ trưởng Quốc Phòng của Philippines và Việt Nam đã cùng “thảo luận về các vấn đề an ninh mà gần đây cả hai quốc gia cùng quan tâm, đặc biệt về tình hình biển Đông”.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Philippines, trao đổi về quốc phòng giữa Philippines với Việt Nam đang tiến triển tốt, sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, thúc đẩy quan hệ quân sự song phương hồi năm 2010. Đó cũng là lần đầu tiên, Việt Nam chính thức bày tỏ sự ủng hộ việc Philippines kiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông tại Liên Hiệp Quốc.

Cũng trong tháng tám, các quốc gia ASEAN đã thông qua một thỏa thuận, theo đó sẽ cùng thúc đẩy Trung Quốc chấp thuận một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông (COC). Người ta hy vọng nếu ASEAN có thể thông qua một COC cùng với Trung Quốc, các tranh chấp trên biển Đông có thể được phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế. 

Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ tỏ ra đồng tình với giải pháp này và tìm nhiều cách để tạo bất đồng giữa các quốc gia trong khối ASEAN khi họ bàn luận về COC. Trong cuộc gặp tại Hua Hin, Thái Lan hồi tháng tám, Ngoại trưởng của các quốc gia thuộc khối ASEAN đã cùng cho rằng, cần phải đoàn kết để đạt được một COC với Trung Quốc. ASEAN sẽ phải có cùng một giọng. Sự đoàn kết không nhằm chống lại bên nào mà chỉ để dễ đối thoại với bên đó. (G.Đ.)

 

MỚI CẬP NHẬT