Friday, March 29, 2024

“Quyền thu phí” trở thành hàng hóa ở Cái Răng, Cần Thơ

CẦN THƠ (NV) .- Nhà cầm quyền quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ chỉ yêu cầu chấn chỉnh việc thu phí neo thuyền ở chợ nổi Cái Răng chứ không yêu cầu truy cứu trách nhiệm của bất kỳ viên chức nào.









Chợ nổi Cái Răng – nơi ghe, thuyền ghé lại buôn bán phải nộp “phí bến nước”. Quyền thu phí được đem ra mua bán như hàng hóa (Hình: Internet)


Trước đây, nhà cầm quyền quận Cái Răng tự đặt ra “phí bến nước” – buộc ghe thuyền neo lại để buôn bán ở chợ nổi Cái Răng phải trả khoản phí này. Việc thu phí được giao cho Phòng Kinh tế quận Cái Răng thực hiện. Sau đó, Phòng Kinh tế quận Cái Răng, ký một “hợp đồng kinh tế”, khoán “quyền thu phí cho Công ty Du lịch Mê Kông, với mức khoán là 13.2 triệu đồng/tháng.


Sau đó, Công ty Du lịch Mê Kông bán quyền thu “phí bến nước” cho bà Ngô Tuyết Hồng với giá là 16.5 triệu đồng/tháng. Bà Hồng tự đặt ra mức phí mới, cao gấp mười lần mức phí mà nhà cầm quyền thành phố Cần Thơ ấn định. Đáng nói là “hợp đồng kinh tế” giữa Phòng Kinh tế quận Cái Răng với Công ty Du lịch Mê Kông đã hết hạn hồi cuối năm ngoái song các bên vẫn tiếp tục thu phí.


Phí cao, bất hợp lý khiến chợ nổi Cái Răng thưa thớt ghe, thuyền tụ tập để buôn bán. Bị báo giới chỉ trích, cuối cùng, nhà cầm quyền quận Cái Răng, quyết định bỏ thu “phí bến nước”  để ghe, thuyền quay lại mua bán, duy trì và phát triển chợ nổi Cái Răng như một cách hỗ trợ phát triển du lịch tại Cần Thơ.


Lạm thu dẫu bị nghiêm cấm nhưng vẫn là chuyện rất phổ biến tại Việt Nam. Câu chuyện “phí bến nước”  chỉ là ví dụ minh họa gần nhất. Đã từng có một thống kê cho biết, tại Việt Nam, dân chúng phải đóng 375 loại phí và 75 loại lệ phí.


Hồi tháng 10 năm ngoái, trong một bài viết có tựa là “Ná thở vì phí và lệ phí”, ông Ngô Trí Long, một chuyên gia hành chính, nhận định, giới hữu trách cứ ấn định mức thu và người dân đành nộp mà không có sự lựa chọn nào khác, bởi hầu hết khoản phí, lệ phí đều đánh vào tiêu dùng thiết yếu. Túi tiền của người dân vốn đã nhỏ bởi lạm phát cao kéo dài trong nhiều năm, nay lại càng teo tóp vì mức thuế, phí, lệ phí quá cao.
 
Năm 2002, Ủy ban Thường vụ Quốc hội CSVN ban hành Pháp lệnh về phí, lệ phí nhằm ngăn chặn tình trạng lạm thu và tăng khả năng cung cấp dịch vụ của hệ thống công quyền cho xã hội và cá nhân. Sau 12 năm thực hiện pháp lệnh này, ông Long khẳng định, pháp lệnh không phù hợp với thực tế.


Hiện nay, các cơ quan cấp trung ương có quyền đặt định 393 khoản phí và lệ phí, còn các cơ quan cấp địa phương có thẩm quyền đặt định 39 khoản phí và lệ phí mà việc đặt định này lại phụ thuộc vào… nhận định của từng cấp, từng nơi nên mỗi chỗ mỗi khác. Cuối cùng, việc đặt định phí và lệ phí, mức phí, cách thu – quản lý – sử dụng trở thành tùy tiện, lộn xộn và không được kiểm soát.


Qua một vài nghiên cứu, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, tỉ trọng các khoản thu từ thuế và phí tại Việt Nam đang tăng ngày càng cao. Trong năm năm vùa qua, nguồn thu từ thuế và phí  của Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực. Mức thu từ thuế và phí của Việt Nam hiện chiếm 20% GDP, trong khi Trung Quốc – vốn được xem là cao, chỉ có  17.3% GDP, Thái Lan và Malaysia xấp xỉ 15.5% GDP, Philipines 13% GDP, Indonesia 12.1% GDP và Ấn Độ chỉ 7.8% GDP.


Ông Ngô Trí Long than rằng, chuyện lạm thu phí và lệ phí đang diễn ra tràn lan trong mọi lĩnh vực và trên diện rộng từ thành thị tới nông thôn và tỏ ra đặc biệt lo ngại về tình trạng lạm thu tràn lan ở nông thôn. Dù bị nghiêm cấm nhưng tình trạng lạm thu vẫn rất phổ biến tại nông thôn. Nông dân vẫn bị buộc phải đóng những khoản phí, qũy hết sức quái đản.


Hồi tháng 7 năm ngoái, báo chí Việt Nam cho biết, dân chúng xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đang bị buộc phải đóng mỗi người 100 ngàn đồng một năm cho khoản gọi là “phí đường nhựa”. Theo Ủy ban nhân dân xã Nam Thanh, đối tượng phải nộp “phí đường nhựa” là trẻ em tròn một tuổi cho tới người 60 tuổi. Tuy nhiên, tờ Đất Việt kể là, có những xóm, trẻ con chỉ mới 10 tháng tuổi đã phải đóng “phí đường nhựa”. Điểm đáng chú ý là chính quyền xã Nam Thanh thu tiền nhưng không hề xuất biên nhận.


Không riêng Nghệ An, ở thị trấn Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, để né qui định cấm đặt ra các loại phí, nhà cầm quyền thị trấn Thường Xuân đã đổi tên các loại “phí” thành “quỹ” và gọi những khoản thu mà họ buộc dân phải nộp là “tự nguyện đóng góp”, hoặc “phát huy quy chế dân chủ”. Dân chúng thị trấn Thường Xuân phải nộp 12 loại “qũy”. Trong đó có “Qũy xe tang” với mức 30 ngàn mỗi gia đình một năm. “Qũy đường nghĩa trang” với mức thu là 100 ngàn đồng mỗi gia đình một năm.


Tuy phí và lệ phí đã được xác định là gánh nặng, gây bất bình lớn trong dân chúng, đồng thời, tình trạng lạm thu đã được thừa nhận là một trong những nguyên nhân khiến nông dân trở thành bần cùng, phải bỏ xứ đi làm thuê. Sự bất bình trong nông dân về phí, lệ phí, thuế khóa,… càng lúc càng lớn, trở thành mối đe dọa thường trực đối với nhà cầm quyền.


Tại một số nơi như Thái Bình, nông dân đã từng nổi lọan chống lạm thu, tháng 11 năm 2007, chế độ Hà Nội phải công bố bãi bỏ 340 loại lệ phí để giảm bớt gánh nặng cho nông dân nhưng cuối cùng, lạm thu chỉ tăng chứ không giảm. (G.Đ)



 

MỚI CẬP NHẬT