Thursday, March 28, 2024

Sài Gòn, chiều 30 Tết và giao thừa Nhâm Thìn


 Văn Lang/Người Việt



Chiều 30 Tết đi một vòng Sài Gòn, ra khu chợ hoa đường Thành Thái quận 10, khoảng 3 giờ chiều, trời nắng chói chang, con đường hoa đã vắng dần, nhiều chủ bán mai đang chất số mai còn lại lên xe tải để “hồi cố hương”.


 



Dòng người đông nghẹt di chuyển trên đường hoa Nguyễn Huệ chiều 30 Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)



Một vài điểm, hoa cúc vạn thọ và hoa hải đường đang được người đi chợ chiều bu mua khá đông, vì chủ hoa đã bắt đầu “xả hàng”, một vài lối đi vương vãi những cây hoa bị loại. Nhiều gương mặt đen nhẻm vì giăng nắng mấy ngày qua của người bán hoa thể hiện sự lo âu, nhất là chủ của những khu bán tắc kiểng (người miền Bắc gọi là quất kiểng), nắng rát mặt làm những cây tắc bắt đầu héo lá, rụng trái.



Trong khi vài vị chủ mai đang cố kỳ kèo trả giá với giới xe tải để bớt giá vì mai năm nay bán ế, thì giới bán tắc kiểng dường như không có đường lui vì số lượng hàng còn quá lớn, mà giá vận tải ngày 30 Tết lại tăng vọt.


Chỉ có giới chủ kinh doanh hoa lan là có vẻ ung dung tự tại, bông lan không sợ nắng, sợ mưa, Tết bán không hết thì ra Giêng bán tiếp, chỉ cần có người biết thưởng ngoạn thì giá lan bao giờ cũng cao.



Nắng như đổ lửa chiều cuối năm không chỉ làm hoa, tắc héo, lòng người kinh doanh hoa kiểng, cây kiểng héo theo mà đến những người bán dưa hấu chiều 30 Têt cũng “nẫu ruột”. Giá dưa vào lúc 3 giờ chiều ghi nhận tại một số con đường như Lý Thường Kiệt (quận 10) là 2 ngàn 500 đồng…nửa ký, khu Nguyễn Oanh, Gò vấp có nơi chỉ còn bán có 3 ngàn đồng 1 ký loại dưa to, ngon trưng Tết.



Xe chở hoa trên phố vào chiều 30 Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)



Qua khu vực cầu An Lộc, nơi buổi chiều thường ngày người ta hay đem gà còn sống ra bán đầy hai bên cầu. Chiều 30 đi ngang khu này vẫn thấy nhiều người ngồi bán gà, dù nắng chiều đang nhạt dần lượng xe cộ qua cầu cũng còn khá đông nhưng không thấy mấy ai dừng mua gà về làm thịt cúng đêm 30.



Những ngày cuối năm là cơ hội lớn của giới bán hàng “xôn” (sale off), từ quần áo, giày dép cho tới dây nịt, mắt kiếng…nhưng xôm tụ hơn cả vẫn là giới bán quần áo ở các tiệm nhỏ bình dân lẫn trên vỉa hè.


Loại hàng này thường tập trung tại các quận ven Sài Gòn, nơi có nhiều khu công nhân và giới lao động ngoài tỉnh. Hàng bán với giá từ rẻ tới…rất rẻ, như một cái quần tây ka-ki giá là 50 ngàn đồng, áo sơ – mi cụt tay giá 30 chục, dài tay thì bán 35 ngàn đồng một cái.Tuy giá ghi là vậy nhưng còn thương lượng được, hoặc bớt hoặc mua 4 tặng 1. Dép thí có giá 15 ngàn…2 đôi, giày 50 ngàn một đôi (loại mới), khi chúng tôi hỏi thăm chất lượng thì người bán trả lời “tiền nào của nấy”, còn người mua thì cho biết là cũng xài được, nhất là “chữa cháy” ba ngày Tết, tiền ít mà lại muốn có đồ mới.



Giày dép đại hạ giá trong chiều 30 Tết. (Hình: Văn Lang/Người Việt)


Tại mặt tiền chợ Bà Chiểu, giá quần áo có cao hơn giá vỉa hè nhưng tới tối 30 Tết người mua bán vẫn tấp nập, trong khi các khu khác thì tan sớm hơn. Hỏi thăm một người đàn ông bán ngay cổng chợ:” Chú bán tới tối luôn à?”, người đàn ông giọng miền Trung vui vẻ trả lời:”Bán tới giao thừa luôn!”. Ngó quanh thấy ai bán cũng đắt hàng, riêng người đàn ông này không có khách, tới hồi nhìn lại chúng tôi mới phát hiện ra người đàn ông này bán toàn quần “short” lửng dài quá gối một chút, loại này Tết ít ai dám bận lắm, lý do là họ sợ… nghèo suốt… năm.



Trở qua khu ngã tư Phú Nhuận, chúng tôi thấy mọi người đang vòng trong vòng ngoài mua một loại hàng gì đó. Dừng lại hỏi thăm thì được biết người ta đang bán phô-mai…Ai-Cập, giá có 15 ngàn đồng một hộp.Chúng tôi không dám ăn thử, mặc dù được mời, vì chợt nhớ là bữa trước ghé làng hoa Gò Vấp được giới thiệu loại mai Tàu, nhưng bữa sau cũng loại hoa đó thì thấy trưng ở khu ngã tư Bảy Hiền lại ghi là mai bonsai Nhật Bổn, bán với giá…cắt cổ.



Đi tới một đoạn, thấy mấy đại lý vé số khu ngã tư Phú Nhuận đều đang đông khách, ngày cuối năm và đầu năm mới ai cũng muốn thủ vận may. Thậm chí, trên đường chạy xe ra Sài Gòn chúng tôi còn thấy và nghe một bác lớn tuổi, tóc đã bạc chạy xe Honda chở cô con gái khoảng ngoài 30, ông hỏi : Con đã mua vé số chưa?”. Cô gái trả lời :- Chưa! Người cha khuyên con như một vấn đề làm ăn:”Con nên thử thời vận đi!”.



Khoảng 6 giờ tối, trong khi những con đường của những quận ven Sài Gòn đang vắng dần người qua lại thì khu vực đường hoa Nguyễn Huệ, trước thương xá Tax lượng người đổ ra đường lại đông nghẹt. Chúng tôi xuôi về Chợ Lớn trên đường Trần Hưng Đạo.
Tại một ngã tư đèn đỏ, trong ánh sáng nhạt còn sót lại của ngày mà đèn đường còn chưa kịp lên. Chúng tôi thấy một bà Má miền Nam với gương mặt phúc hậu, đang mua hoa vạn thọ ngay tại ngã tư. Bà Má nói với cô gái, giọng miền Nam rất ấm áp:”Bây bán hết đi, giá nào cũng bán, giờ mà không bán, không lẽ bây muốn đem bông về ăn?”.



Vô khu Chợ Lớn, tại ngã tư Lương Nhữ Học, thấy một chàng trai chở một cây tắc to, dáng cây rất đẹp, chúng tôi ước tính cây này giá phải từ 1 triệu rưỡi, tới 2 triệu đồng. Hỏi thăm, chàng trai trả lời, chúng tôi giật mình sửng sốt, hỏi lại: – Một trăm năm mươi ngàn đồng? Chàng trai bật cười : – Giờ này họ không bán thì cũng đâu biết đem đi đâu?



Người Việt gốc Hoa đi lễ chùa Bà, quận 5 trong đêm giao thừa. (Hình: Văn Lang/Người Việt)



Tám  giờ tối, tại quốc lộ 50, đoạn gần bến xe quận 8, thấy một đôi nam nữ chở theo một cây tắc giống như đã gặp ở khu Chợ Lớn, hỏi thăm, cô gái cho biết cô mua cây tắc này với giá chỉ…50 ngàn đồng. Chúng tôi thở dài, nhớ tới buổi chiều trên đường Thành Thái cũng như khu vực Lăng Cha Cả với vô số chậu tắc chưa bán được phơi mình trong cái nắng, nóng hầm hập, đúng là những chủ nhân của số tắc này không còn biết làm gì hơn là bán đổ, bán tháo.



Đêm Sài Gòn đã dịu bớt cái nóng, trên đại lộ Nguyễn Văn Linh nối từ quận 7 qua Bình Chánh, qua ánh đèn xe thấp thoáng bóng những cô gái tóc dài, eo thon. Đây là những cô gái “bán phấn, buôn hương” với tuổi đời còn rất trẻ, đêm 30 Tết khách qua đường chắc không khỏi chạnh lòng cho những “kiếp hoa rơi”, cũng là hoa mà có loại được trưng trong phòng khách nơi quyền quý, lại có loại phải “bèo dạt mây trôi”, tủi hờn một kiếp hồng nhan.



Thời khắc đón giáo thừa, “tống cựu nghinh tân”, khác với mọi năm, chúng tôi không chọn chùa Vĩnh Nghiêm hay Lăng Ông Bà Chiểu mà chúng tôi chọn đến một ngôi chùa trong khu Chợ Lớn để được cùng bà con người Việt, cũng như người Việt gốc Hoa trong khói nhang thơm nghi ngút cùng khấn nguyện mong một năm mới an lành, công việc tấn tài, tấn lộc, quốc thái dân an…


 

MỚI CẬP NHẬT