Friday, March 29, 2024

Tang lễ ông Đinh Đăng Định sẽ ở Sài Gòn


SÀI GÒN 6-4 (NV) –
Linh cữu ông Đinh Đăng Định, một cựu tù chính trị, người vừa qua đời hôm 4 tháng 3-2014, sau khi được “đặc xá” trước đó hai tuần, đã được đưa về Sài Gòn.


Thân nhân và thân hữu của ông Đinh Đăng Định đưa linh cữu của ông từ Đắk Nông về Sài Gòn. (Hình: Facebook Tưởng Nhớ Thầy Đinh Đăng Định)

Trước khi qua đời, ông Định đề nghị được rửa tội theo nghi thức Công giáo. Sau khi khâm liệm và để hàng xóm, đồng nghiệp thắp nhang tiễn biệt, với sự hỗ trợ của Dòng Chúa Cứu thế và thành viên một số tổ chức dân sự, thân nhân của ông đã đưa linh cữu của ông về quàn tại Sài Gòn.

Theo dự kiến ban đầu, linh cữu của ông Định sẽ được đặt tại Nhà nguyện Đức mẹ Thăm viếng thuộc Giáo xứ Đức mẹ Hằng cứu giúp, nằm bên ngoài Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn, cho những người yêu mến ông đến phúng viếng.

Tuy nhiên ngay sau đó, công an Việt Nam đã tìm đến tư gia người trông coi nhà nguyện này, yêu cầu ông ta phải ký một “cam kết không làm mất an ninh trật tự”. Trước những người dấu hiệu cho thấy công an CSVN có thể gây rối, Ban Tổ chức tang lễ cho ông Định đã đưa linh cữu vào quàn bên trong khuôn viên Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, quận 3.

Ông Định, 51 tuổi, từng là một sĩ quan của quân đội CSVN. Sau khi giải ngũ, làm việc cho nhiều công ty khác nhau, ông trở thành giáo viên dạy môn Hóa học của trường trung học Lê Qúy Đôn ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ông là một trong những người vận động dân chúng Đắk Nông ký tên vào kiến nghị yêu cầu không khai thác bauxite tại Tây Nguyên, vừa để bảo vệ môi trường của Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ, vừa nhằm ngăn chặn Trung Quốc đặt chân vào khu vực này. Ông cũng là tác giả một số bài viết kêu gọi đa đảng, sửa điều 4 Hiến pháp, thực hiện phi chính trị trong giáo dục.

Vì các hoạt động vừa kể, ông Định bị bắt năm 2011. Năm 2012 bị hệ thống tư pháp kết án 6 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Nhiều lần ông Định được khuyến dụ nhận tội để hưởng “chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và nhà nước” song ông cương quyết từ chối. Trong tù, sức khỏe của ông suy kiệt trầm trọng và giờ chót mới được thăm khám, kết luận là ung thư bao tử.

Đại diện nhiều chính phủ, nhiều tổ chức quốc tế đã liên tục kêu gọi chế độ Hà Nội phóng thích ông Định để ông nhắm mắt bên cạnh những người thân nhưng những lời kêu gọi đó chỉ được đáp ứng khi căn bệnh đã đến giai đoạn cuối.

Cuối cùng, nhà cầm quyền CSVN quyết định cho ông Định tạm hoãn thi hành án trong 12 tháng khi ông đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu ở Sài Gòn. Sau đó, khi thân nhân đưa ông về Đắk Nông để ông nhắm mắt dưới mái nhà của mình, đại diện nhà cầm quyền Hà Nội đã đến tư gia trao Quyết định “đặc xá”.

Tin ông Định qua đời khiến nhiều người xúc động. Việc đưa linh cữu của ông từ Đắk Nông về Sài Gòn được cho là để những người yêu mến ông dễ dàng đến tiễn biệt ông, trước khi thi hài của ông được thiêu vào ngày 7 tháng 4-2014.

Trong một thông cáo về sự kiện ông Đinh Đăng Định qua đời, ông Rupert Abbott, người đặc trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế, ngỏ lời phân ưu với thân nhân của ông Định. Ông Abbott gọi trường hợp ông Định là một thảm kịch và cần biến thảm kịch này thành lời kêu gọi thức tỉnh. Theo ông Abbott, tại Việt Nam, vẫn còn rất nhiều người đang bị giam giữ một cách khắc nghiệt chỉ vì họ dám lên tiếng nói sự thật.

Bằng hữu, những người cảm phục ông Đinh Đăng Định đến dự thánh lễ cầu nguyện cho ông ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn chiều tối ngày 6/4/2014. (Hình: Facebook Tưởng Nhớ Thầy Đinh Đăng Định)

Nhận định về trường hợp của cha mình, con gái ông Định cho rằng, nhà cầm quyền CSVN nợ ông một lời xin lỗi vì ông vô tội.

Đang có khá nhiều ý kiến cho rằng, bệnh tình của ông Định là kết quả của đầu độc. Sau khi bị bắt, sức khỏe của ông suy kiệt rất nhanh và việc thăm khám, điều trị chỉ diễn ra khi tình thế đã trở thành vô phương cứu vãn. Con gái ông Định nói rằng, tuy chưa đủ chứng cứ nhưng không loại trừ khả năng đó. Trước khi qua đời, một vài lần, ông Định – người từng đảm nhận vai trò kỹ sư hóa tại một số doanh nghiệp từng vài lần đề cập đến nước uống và thực phẩm trong tù có mùi hóa chất.    

Hồi giữa tháng hai, lúc vừa được tạm hoãn thi hành án 12 tháng, ông Định từng nhấn mạnh, thế giới cần phải biết rằng, nhân quyền ở Việt Nam chưa thể gọi là nhân quyền. Đặc biệt là trong môi trường tù tội. Tù chính trị bị tra tấn không phải bằng đánh đập mà là không cho chữa trị khi đau bệnh, để họ thiếu thốn trong chuyện ăn uống, cô lập họ với bên ngoài, không cho xem sách, đọc báo.

Ông đề nghị các tổ chức nhân quyền, các cơ quan giám sát việc thực thi nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hãy tìm cách “mở cửa các trại tù” vào đó gặp cả tù chính trị lẫn tù hình sự để xem xét. Đến cuối tháng 3, sau khi được “đặc xá”, ông Định đề nghị mọi người hướng sự quan tâm vốn vẫn dành cho ông vào cuộc đấu tranh chống sự độc tài của chế độ cộng sản. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT