Thursday, March 28, 2024

Thấy sang bắt quàng làm họ?

 


Nguyễn Văn Khanh
(tường trình từ New Hampshire)


Bực mình không? Bực chứ. Ai trong tình huống này mà chẳng bực mình!!! Ðó là những gì cánh nhà báo theo dõi vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa bảo với nhau khi còn ở Iowa cũng như trên đường đến chặng dừng chân kế tiếp là New Hampshire.


Bực bội vì bỗng dưng ở đâu xuất hiện nhiều e-mail quá, phải nói cho đúng là tất cả các ký giả đều bị “tấn công” bằng e-mail, tới độ “đọc không hết, delete không xuể,” theo lời than của một nhà báo đang làm việc cho C-SPAN. Ðiểm đáng nói hơn nữa: gần như tất cả các e-mail đều đến từ phe bảo thủ Cộng Hòa, nội dung chứa đựng những lời lẽ ngợi khen ứng cử viên Rick Santorum, chính trị gia đang được cả nước Mỹ chú ý tới sau thành công đầy bất ngờ ở Iowa.



Ứng cử viên Santorum (Photo by Rainier Ehrhardt/Getty Images) 


Chỉ 2 tuần trước đây, nhân vật đang được phe bảo thủ trong đảng ca ngợi chính là người hầu như không được ai nói tới, kể cả những người bây giờ đang “ôm cứng” lấy ông ta. Lúc những cuộc thăm dò cho thấy ông Santorum từ vị trí gần cuối bảng đang vượt lên cũng chẳng thấy ai nhắc nhở, ngay cả khi tin tức loan tải khắp nơi cho hay ông có nhiều triển vọng về hạng ba cũng chưa thấy phe bảo thủ động tĩnh gì.


Nhưng sau khi kết quả được công bố cho thấy ông cựu nghị sĩ của tiểu bang Pennsylvania về nhì – thua ông Mitt Romney chỉ vài phiếu – thì tình hình đổi khác hoàn toàn: chỗ nào cũng thấy phe bảo thủ lên tiếng trình bày nhận xét lẫn quan điểm của họ, tựu trung ông Santorum chính là người họ chọn, và Iowa là đòn bẩy để ông vào Tòa Bạch Ốc, lấy lại ghế tổng thống từ tay ông Barack Obama, người bị chỉ trích là không những cấp tiến quá mức mà còn theo chủ nghĩa xã hội.


Không đầy 2 tiếng đồng hồ sau khi có kết quả ở Iowa, ông Fred Barnes – Chủ bút tờ Weekly Standard và là nhà bình luận chính trị của đài FOX News – cho phổ biến ngay trên web bài nhận định viết vội, trong đó nói rằng giờ đây cử tri Cộng Hòa đã nhìn thấy được “cuộc đua chỉ có 2 người” là ông Romney và ông Santorum. Về chính trị gia được xem là tiêu biểu cho cánh bảo thủ, bài bình luận ngợi khen ông Santorum là người “chân thật,” có đủ mọi lý do để “hãnh diện trước mặt Thượng Ðế,” và ông Romney phải hiểu “cuộc đua bây giờ không còn dễ dàng” như xưa nữa.


Sau ông Fred Barnes là nhà bình luận George Will, một trong những cây bút bảo thủ được mọi người kính trọng. Ông Will so sánh hai ứng viên hàng đầu của đảng Cộng Hòa như thế này: “Ông Santorum là người của chúng ta, người tạo được khí thế trong đảng” trong khi ông Mitt Romney là người “đang khổ sở” đi tìm khí thế chính trị đó.


Ðã nói đến ông George Will thì không thể bỏ sót ông Rush Limbaugh, một bình luận gia bảo thủ có tiếng, đang điều khiển một trong những chương trình phát thanh ăn khách nhất nước Mỹ, từng đưa ra những phát biểu “nặng ký” cũng có mà “gây tranh cãi” cũng nhiều.


Theo ông Limbaugh, từng có lúc phe bảo thủ nghĩ rằng những lời kêu gọi, nhắc nhở mà họ đưa ra – về giá trị, đạo đức lẫn về tôn giáo – “không được ai lắng nghe,” nhưng bây giờ sự thành công của ông Santorum cho thấy “đã kết hợp được mọi người thành một khối,” xem đó là điều hãnh diện nhất của thành phần bảo thủ ở vòng sơ bộ năm nay. Cũng từ đó, ông tin tưởng chiến thắng đã gần kề. Phải nói rõ hơn: chiến thắng -theo ông Limbaugh – là chiến thắng cho những người chủ trương hay ủng hộ đường lối bảo thủ.


Chuyện xảy ra ngày hôm nay, ngay lúc này, buộc mọi người phải nhớ lại những gì từng xảy ra trước đó chẳng bao xa. Trong khoảng thời gian từ Lễ Tạ Ơn (Thanksgivings) cho đến Lễ Giáng Sinh 2011, chẳng thấy ông bà nào lên tiếng kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Santorum cả. Trên truyền hình, truyền thanh cũng như ở mặt báo, các nhà bình luận bảo thủ có uy tín hàng đầu của đàng Cộng Hòa tìm đủ mọi cách để “chống đỡ” cho ông Newt Gingrich, bất kể chuyện chính người trong đảng lên tiếng chê bai ông cựu chủ tịch viện… không được bảo thủ cho lắm và đừng tình duyên, gia đạo cũng không thể tiêu biểu cho chủ trương “một vợ một chồng” mà phe bảo thủ đã xem là nền tảng ngay từ ngày lập quốc.


Bằng chứng rõ rệt nhất là liên tiếp trong nhiều tháng trời, khán giả theo dõi chương trình thảo luận hàng tuần “Inside Washington” thấy từ ông Charles Krauthammer cho tới bà Ann Coulter nhất định tin ông Gingrich sẽ lật ngược được thế cờ “vì cử tri Cộng Hòa chưa sẵn sàng đón nhận ông Romney,” một người được xem là “cấp tiến” (theo cái nhìn của một số không ít cử tri Cộng Hòa), khi làm thống đốc tiểu bang Massachussetts lại từng thực hiện chương trình y tế chẳng khác gì Obamacare (cũng vẫn theo cái nhìn của một số không ít cử tri Cộng Hòa). Nói cách khác, lúc đó phe bảo thủ đã có “người,” và người được họ ủng hộ – chắc chắn – không phải là ông Santorum.


Chẳng những không thèm nghĩ đến ông Santorum, một số người hay những tờ tạp chí có uy tín của đảng còn tỏ vẻ… coi thường chính người họ đang hết lòng tán tụng. Có lần bà Peggy Noonan nghĩ rằng ông Santorum là ứng cử viên “không đáng để ý tới” (nguyên văn: “he’s not serious enough) vì cuộc đua “có nhiều người khác đã có sẵn hậu thuẫn của cử tri.” Giữa mùa Thu năm rồi trong bài viết rất dài phân tích khả năng thành công của từng ứng cử viên Cộng Hòa, tờ National Review nhận định về ông Santorum như sau: “Làm việc ở Quốc Hội thì hữu hiệu nhưng không có kinh nghiệm hành pháp.” Ý nghĩa của nhận định này: ông Santorum không phải là nhà lãnh đạo mà cử tri trông chờ.


Chỉ có một số rất ít người nhất định đi với ông Santorum từ bước đầu ông, trong đó có nhà bỉnh bút Quin Hillyer của tờ tạp chí bảo thủ American Spectator. Từ Tháng Bảy năm 2010 khi ông Santorum đang suy nghĩ không biết có nên ra tranh cử hay không, ông Hillayer đã ca ngợi vị cựu nghị sĩ của Pennsylvania là “nhân vật sáng giá nhất, nắm rõ đường hướng, biết rõ cần làm gì để quảng bá đường hướng đó cho cử tri biết.”


Ðến tháng 11 vừa rồi – lúc ông Santorum vẫn chưa được ai ngó ngàng tới – ông Hillyer viết bài thứ nhì, trong đó có những lời lẽ như sau: trong số những người có thể đại diện cho đảng Cộng Hòa, ông Santorum là người “sắc sảo nhất, có bề dầy chính trị nhất, vận động tranh cử khôn khéo nhất, cực nhọc nhất, chứng tỏ cho mọi người thấy ông thông minh chẳng kém ai, tranh luận cũng khéo léo nhất, chẳng gây nên sơ hở nào cả và luôn luôn đi theo đúng những gì ông đã vạch ra.” Bài viết còn cho rằng trong vòng 1 phần tư thế kỷ qua – tức từ thời Tổng Thống Ronald Reagan đến giờ – “chưa ứng cử viên nào thể hiện tinh thần bảo thủ một cách đầy đủ, rõ ràng như ông Santorum.”


Tại sao ông Hillyer lại nhìn như vậy? Câu trả lời của ông khá đơn giản: “Ðiều khiến tôi khó chịu nhất là trong nhiều năm trời, các nhà phân tích, kể cả những phân tích gia nổi bật của đảng thường không nhìn ra vấn đề. Ai là người làm việc cực nhọc nhất, ai là người đến tận nơi, gặp tận mặt với cử tri nhiều nhất? Ðiểm thứ nhì là thành tích của ứng cử viên. Nếu tìm hiểu về ông Santorum, chúng ta thấy ngay ông có thành tích tốt hơn những ứng viên khác rất nhiều. Mọi người thường chú ý tới số tiền quyên được, tới con số của các cuộc thăm dò mà quên đi những điều cần phải chú ý khác, vì thế họ bỏ sót ông Santorum.”


Bây giờ không ai “bỏ sót” ông Santorum cả. Ông đã thật sự trở thành hiện tượng chính trị ở cuộc vận động để được đảng đề cử tranh chức tổng thống, và tất cả mọi người đang đua nhau lên tiếng ngợi khen ông. Có phải đó là hiện tượng mà người Việt gọi là “thấy sang bắt quàng làm họ” không?

MỚI CẬP NHẬT