Friday, March 29, 2024

Thêm 10 quan chức Bộ giao thông vận tải ‘giải trình’ ăn hối lộ

HÀ NỘI (NV) .- Bảy ông bà đương chức và 3 ông đã nghỉ hưu là các xếp lớn tại Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN được yêu cầu “giải trình” về tai tiếng nhận hối lộ của một công ty Nhật Bản.









Phối cảnh tuyến đường sắt số 1, nơi đặt nhiều nghi vấn “ông anh” ăn 16 tỷ yen tiền hối lộ của công ty Nhật.(Hình: kienthuc.net)


Theo tin được nhiều báo ở Việt Nam đăng tải, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT và 9 cá nhân đã phải “giải trình” vụ việc công ty tư vấn kiều lộ JTC của Nhật Bản nhìn nhận “lại quả” hơn 16 tỷ đồng (hay hơn 782,000 USD) để trúng thầu dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội. Dự án này được sự tài trợ tín dụng ưu đãi của chính phủ Nhật nên luôn luôn được trao cho các công ty Nhật Bản thầu từ tư vấn thiết kế đến xây dựng.


Những ông bà đương chức gồm có ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông); bà Nguyễn Minh Tuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, ông Lê Quyết Tiến, Trưởng phòng Pháp chế – Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, ông Phan Hữu Biên, Chuyên viên Phòng Pháp chế – Đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, ông Vũ Nam Nguyên, chuyên viên chính Vụ Kế hoạch – Đầu tư, ông Triệu Khắc Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nguyên Phó Trưởng phòng Thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông).


Những người đã nghỉ hưu phải “giải trình” gồm ông Lê Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Hữu Bằng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Hà Khắc Hảo, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư.


Ngày Chủ Nhật 23/3/2014 vừa qua, Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN vội mở một cuộc họp khẩn rồi “tạm đình chỉ công tác” 3 ông xếp ngành đường sắt gồm hai ông phó tổng giám đốc Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam là Ngô Anh Tào và Trần Quốc Đông, giám đốc ban quản lý dự án đường sắt Trần Văn Lục. Trước đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (thuộc Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam) đẵ bị ngưng chức 15 ngày “để làm rõ thông tin quanh vụ việc này”.


Vụ việc chỉ trở nên ồn ào bất ngờ khi nhật báo Yomiuri Shimbun tiết lộ hôm Thứ Sáu tuần qua rằng chủ tịch công ty Japan Transportation Consultants, Inc., (JTC) thú nhận với viên chức điều tra của chính phủ Nhật là họ đã hối lộ tổng cộng 80 triệu yen (hay $782,640 USD) cho viên chức Việt Nam để trúng thầu dự án đường sắt trị giá 4.2 tỉ yen (hay khoảng $41,088,600 USD) do chính phủ Nhật cấp tín dụng ưu đãi ODA cho Việt Nam.


Hôm Thứ Hai, báo chí cho hay thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông được cử sang Nhật để “xác minh danh tính cán bộ nhận tiền”. Dự án bị tố giác là Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (hay còn gọi là đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên), vốn vay ODA của Nhật Bản mà Công ty JTC là nhà thầu.


Theo tin tức loan tải, dự án này được nhà cầm quyền trung ương “phê duyệt” năm 2004 và được chia làm các giai đoạn đầu tư xây dựng để phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng, thu xếp nguồn vốn vay ODA. Theo đó, trong giai đoạn 1, dự án có quy mô xây dựng đường sắt đôi trên cao điện khí hóa đoạn Giáp Bát – Gia Lâm dài 15.36 km và khu Tổ hợp ga Ngọc Hồi dài 3.85 km. Tổng mức đầu tư là 19,460 tỉ đồng (13,972 tỉ vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), còn lại là đối ứng của Việt Nam; chương trình dự tính từ năm 2008 đến năm 2017. Theo Bộ GTVT Hà Nội, đến nay đã ký hiệp định vay JICA lần 1 với 4.683 tỉ yen cho công tác thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu.


Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đấu thầu, tuyển chọn tư vấn từ tháng 4-2008, báo cáo Bộ GTVT phê duyệt kết quả đấu thầu cho liên danh tư vấn do JTC đứng đầu, liên danh với các công ty Nhật Bản khác và các công ty tư vấn Việt Nam. Giá trúng thầu tính đến tháng 10-2012 (sau khi điều chỉnh thời gian thực hiện thêm 11 tháng) là trên 3.6 tỉ yen và trên 236 tỉ đồng Việt Nam.


Giai đoạn 2a với phạm vi tiểu dự án từ Giáp Bát đến Ngọc Hồi dài 5.649 km và kết nối với giai đoạn 1, tổng mức đầu tư trên 24,825 tỉ đồng. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tổ chức đấu thầu gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2a, đang thương thảo tài chính với liên danh do JTC đứng đầu, dự trù sẽ ký kết hợp đồng trong tháng 7-2014.


Theo Bộ GTVT cho biết đến nay, dự án đã tiếp nhận 2 khoản vay JICA với tổng giá trị 21.271 tỉ yen, các giai đoạn của dự án đã bắt đầu triển khai từ năm 2008. Việc lựa chọn nhà thầu tư vấn phải tuân thủ các quy định của nhà tài trợ và Luật Đấu thầu của Việt Nam. Dịch vụ tư vấn đã hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 và đang lựa chọn và thương thảo hợp đồng tư vấn giai đoạn 2a, công tác đấu thầu xây lắp chưa được khai triển.


Theo nhận xét của ông Nguyễn Mại, nguyên thứ trưởng Bộ Kế Hoạch – Đầu Tư CSVN, nói trên báo Vietnamnet hôm Thứ Tư 26/3/2014 thì vụ hối lộ để thầu 16 tỉ yen “đã ăn thua gì”. Theo ông “còn nhiều đồng chí chưa bị lộ” cuộc điều tra hối lộ dự án 16 tỉ yen này “mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.


Hồi năm 2008, chính phủ Nhật Bản đã loan báo ngưng tháo khoán các ngân khoản tài trợ ODA cho Việt Nam vì chế độ Hà Nội tránh né điều tra quan chức ăn hối lộ của nhà thầu Nhật Bản để cho trúng thầu Dự án đại lộ Đông Tây ở Sài Gòn. Khi ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Trưởng ban quản lý dự án này bị bắt giam và truy tố thì tín dụng mới được tái tục.


Vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ cũng không phải do nhà cầm quyền CSVN  điều tra khám phá mà cơ quan điều tra của chính phủ Nhật đã truy tố 4 viên chức của nhà thầu tư vấn PCI được báo chí Nhật đưa tin dẫn đến áp lực của chính phủ Nhật buộc Hà Nội phải hành động. Vụ án này cũng chỉ được “chốt” giới hạn ở cá nhân ông Huỳnh Ngọc Sỹ cùng một vài thuộc cấp dù có những chứng cớ nhiều ông lớn ở Hà Nội được chia tiền hối lộ như lời khai của PCI. 


Trong mợt bản phúc trình hồi Tháng Bảy 2013, Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) nói hơn 55% người Việt Nam tin rằng tình trạng tham nhũng hối lộ ở Việt Nam ngày càng tồi tệ hơn. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng vừa mới lên làm thủ tướng hồi Tháng Sáu 2006, ông trả lời trong một cuộc phỏng vấn truyền hình là nếu ông không diệt được tham nhũng, ông sẽ từ chức. Bây giờ, sau gần chục năm và ở giữa nhiệm kỳ thứ hai, ông vẫn còn ngồi đó.


Liệu 14 ông bà đương chức và đã nghỉ hưu ở Bộ GTVT có bị ‘kỷ luật’ gì không? Hiện người ta mới thấy ông nguyên thứ trưởng Lê Mạnh Hùng chối bay chối biến. Khi xảy ra vụ điều tra Dự Án đại lộ Đông Tây ở Sài Gòn, ông Huỳnh Ngọc Sỹ cũng chối không biết gì về số tiền hơn 800,000 USD tiền mặt mà đại diện nhà thầu PCI khai đã đưa cho ông làm nhiều lần. (TN)


 

MỚI CẬP NHẬT