Thursday, April 25, 2024

Theo nghề bắt rắn độc vì nghèo

PHÚ YÊN (NV) Thấy rắn lớn, nhỏ, ai cũng bỏ chạy, không cần biết độc hay không độc, trừ một nhóm người đàn ông cư dân tỉnh Phú Yên. Những người này lùng sục khắp các làng quê hẻo lánh tỉnh nhà tìm bắt rắn.







Người săn rắn lùng sục khắp các hang ổ làng quê ở tỉnh Phú Yên. (Hình: Báo Tiền Phong)


Báo Tiền Phong cho biết, bắt rắn là công việc thoạt đầu giúp chính họ có “mồi” quý cho những bữa tiệc nhậu vui vầy. Lần hồi, thêm nhiều người trong làng, thương buôn thuê mướn, việc bắt rắn trở thành một nghề chuyên môn của họ. Nhóm người theo nghề này mỗi lúc một đông dần.


Báo Tiền Phong cho biết, các thành viên trong nhóm bắt rắn ở huyện Ðồng Xuân, tỉnh Phú Yên chỉ cần sắm một cây gậy nhỏ nối với cọng thép đầu cong hoặc một sợi dây thòng lọng làm bằng ruột thắng xe đạp. Gặp chú rắn bò trên mặt đất, người “săn” rắn chỉ cần nhẹ nhàng đặt dây thòng lọng vào cổ rắn. Còn rắn đang trườn trên cành cây cao thì người săn phải dùng móc hình lưỡi câu khều cho rắn rớt xuống đất rồi mới dùng nạng gỗ dí ở cổ, trước khi “thộp” chặt bỏ vào bao.


Một trong những người đàn ông săn rắn dày dạn ở tỉnh Phú Yên là ông N.V.T. cho biết đã hơn vài trăm lần lùng sục các ngõ ngách, bụi rậm, rừng cây… để lùng bắt rắn. Ðôi khi họ còn lần theo dấu bò của rắn để tìm đến tận hang ổ với hy vọng bắt được thật nhiều rắn. Rắn càng độc, càng có giá. Loại rắn hổ chúa, bán được khoảng 1.5 triệu đồng, tương đương $70 mỗi kg. Còn những loại rắn thường chỉ vào khoảng 150,000 đồng, tương đương $7/kg.


Những người săn rắn thường xuyên cho biết các loại rắn độc như hổ mang, hổ chúa, hổ trâu, mái gầm, cạp nong, cạp nia… ngày càng ít thấy vì đã bị săn, bắt gần hết. Mặc dù cũng có người bỏ mạng vì bị rắn cắn, số người theo nghề nguy hiểm này vẫn không giảm.


Một cư dân khác ở huyện Ðồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết đa số quyết liệt với nghề vì quá nghèo. Họ cần một công việc để mưu sinh. Có người nghe tin ở đâu có rắn xuất hiện thì nhào tới, bất chấp lành dữ.


Có vài nhóm âm thầm lùng sục vào ban đêm, cày xới tung tóe bờ ruộng nhà dân. Họ thường ra đi từ lúc trời sụp tối, cho đến tờ mờ sáng mới trở về nhà.


Thật ra, bắt rắn để bán ra thị trường, giao cho các nhà hàng, giao cho thương lái xuất cảng sang Trung Quốc là sinh kế của dân làng xã Hợp Thành, tỉnh Nghệ An hơn 20 năm nay. Tại đây có những người có kinh nghiệm bắt rắn hàng chục năm, được gọi là ông “trùm”. Trong số này có ông “trùm” Khoa 50 tuổi sống khá giả nhờ nghề săn rắn về đêm. Nếu không tìm được rắn thì ông “úp” cá bằng nơm hoặc bắt chim bằng vợt.


Theo báo Tiền Phong, ông “trùm” Khoa ở Hợp Thành, Nghệ An nổi tiếng với nghề bắt rắn bán sang Trung Quốc suốt 20 năm nay. Ông kể: “Ðêm nào may thì bắt được vài ba con, được tổng cộng nửa kg trở lên.” Theo ông, “ớn” nhất là nghề bắt rắn hổ mang. Con mồi thường lao thẳng vào hướng ngọn đèn, dựng ngược đầu, phình hai má sẵn sàng tấn công thợ săn.


Ông quen nghề, rọi đèn vào mặt làm rắn bị chói rồi tay mặt cầm kềm kẹp cổ, tay trái bóp cổ rắn, sau đó đổi tay mặt dùng kim may chặt miệng rắn lại. Bằng những động tác giản dị này, ông “trùm” Khoa đã bắt được hàng ngàn con rắn độc đủ loại.


Nghề bắt rắn càng trở thành nghề thông dụng trong dân gian thì giới chuyên viên môi sinh càng lo lắng. Các chuyên viên của Viện Sinh Thái và Tài Nguyên Việt Nam lâu nay đã cảnh cáo về nạn săn bắt rắn sẽ làm gia tăng các loài chuột, sâu bệnh ở các đồng ruột, đe dọa mùa màng nông nghiệp.


Theo bà Hồ Thị Thu, chuyên viên của viện này, Việt Nam có 192 loài rắn, nay không còn được bao nhiêu. Bà này còn quả quyết rằng, không chỉ người săn bắt làm loài rắn bị tiệt chủng, mà nạn phá rừng cũng khiến rắn trở thành “vô gia cư,” bỏ đi lần hồi.


Tuy nhiên, vì nghèo, cần có miếng ăn hơn tất cả, người dân làng ở Nghệ An trước đây lan đến Phú Yên và nhiều địa phương khác hiện nay buộc phải theo nghề săn rắn, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. (P.L.)

MỚI CẬP NHẬT