Thursday, March 28, 2024

Thị trường ảm đạm, kinh tế Việt Nam khó hồi phục

HÀ NỘI  (NV) .- Nhà cầm quyền tuyên truyền kinh tế Việt Nam “chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện” nhưng các banner, bảng “hạ giá”, “đại hạ giá”, “giảm giá sốc”…  treo, dựng khắp nơi.









“Đại hạ giá” khắp nơi, từ trung tâm thương mại tới các cửa hiệu, sạp hàng. (Hình: Dân Trí)


Nhiều tờ báo mô tả quảng cáo “hạ giá”, “đại hạ giá”, “giảm giá sốc” đang nhan nhản từ các trung tâm thương mại tới những cửa hiệu, sạp hàng.


Rao bán “hạ giá”, “đại hạ giá”, “giảm giá sốc” đang được áp dụng cho tất cả các loại mặt hàng ở Việt Nam, từ xe hai bánh gắn máy, TV, tủ lạnh, máy giặt,… cho tới quần áo, giày dép. Giá bán hiện đã giảm trung bình từ 20% đến 30% và không ít nơi, không ít mặt hàng, giá bán giảm tới 40% hoặc 50%.


Điểm đặc biệt đáng chú ý là bất kể giá bán giảm dữ dội nhưng hoạt động mua bán vẫn èo uột. Các trung tâm thương mại, cửa hiệu, sạp hàng vẫn vắng khách. Tờ Người Lao Động cho rằng, sở dĩ có tình trạng hàng hóa ê hề, giá bán rẻ mạt, song vẫn ế là vì dân chúng đã kiệt sức.


Vì sao dân chúng kiệt sức?


Hồi cuối tháng 9, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, khẳng định, số người thất nghiệp trong hai năm rưỡi vừa qua, tính từ khi kinh tế Việt Nam bắt đầu suy thoái là nhiều triệu. Vì từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2013 có khoảng 135,000 doanh nghiệp ngưng hoạt động và khoảng 450,000 doanh nghiệp đang hoạt động phải giảm 30% công suất, nên ông Thiên tin là ít nhất cũng có 5.5 triệu người thất nghiệp do suy thoái kinh tế.


Chẳng riêng công nhân, ngay cả nông dân cũng lao đao. Trong khi chi phí (cây giống, con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, điện, thức ăn chăn nuôi,…) liên tục tăng thì lúa gạo, các loại nông sản, sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa,…), thủy sản (tôm, cá,…) liên tục giảm giá. Nông dân ngập sâu trong nợ và thi nhau bỏ ruộng, ngưng trồng trọt, dừng nuôi gà, heo, bò, tôm, cá…


Kinh tế Việt Nam đang bị đẩy sâu hơn vào vòng luẩn quẩn. Ngân sách bội chi mỗi lúc một nhiều trong khi nguồn thu càng ngày càng ít. Các doanh nghiệp vốn đã điêu đứng vì tác động của suy thoái kinh tế nay càng thêm bế tắc do hàng hóa tồn đọng càng lúc càng lớn. Doanh nghiệp càng khó khăn thì tỷ lệ thất nghiệp càng cao và  mãi lực mỗi ngày một giảm.


Trong bối cảnh như thế, giá các loại sản phẩm, dịch vụ do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước độc quyền cung cấp như: viễn thông, điện, nước, xăng dầu liên tục tăng và bào mòn khả năng cạnh tranh của doanh giới Việt Nam cũng như khả năng tiêu dùng của dân chúng.  


Những yếu tố vừa kể là nguyên nhân khiến thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế lẫn báo giới đồng loạt cảnh báo, niềm tin vào sự hồi phục kinh tế trong công chúng Việt Nam đang giảm đáng kể.


Bởi kiệt quệ về tài chính và lo âu về tương lai, , dân chúng Việt Nam đang hạn chế chi tiêu tới mức tối đa. Doanh giới cũng mang tâm trạng này. Hồi tháng 7, Ngân hàng HSBC công bố, trong hai tháng 5 và 6, chỉ số mua hàng của giới quản trị (PMI), sụt giảm đáng ngại, điều đó cho thấy doanh giới muốn hạn chế đầu tư.









Dù giá bán giảm từ 20% đến 50% các trung tâm thương mại, cửa hiệu, sạp hàng vẫn không có người lui tới. Trong ảnh là một góc Trung tâm Thương mại Hà Nội. (Hình: Infonet)


Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo, muốn kinh tế Việt Nam có thêm sức để vượt qua những khó khăn như hiện nay, điều đầu tiên mà chế độ Hà Nội phải làm là khôi phục niềm tin của cả dân chúng lẫn doanh nghiệp vào khả năng điều hành kinh tế của mình. Tuy nhiên hàng loạt chính sách, giải pháp được đề ra từ 2012 đến nay chỉ tạo thêm bất an.


Việt Nam hiện có 13 tập đoàn và 96 tổng công ty của nhà nước. Số tập đoàn và tổng công ty của nhà nước này đang nắm giữ khoảng 75% tài sản cố định của quốc gia, 60% tổng tín dụng ngân hàng và tổng vốn vay nước ngoài nhưng chỉ tạo ra khoảng 40% tổng sản phẩm trong nước.


Kết quả kiểm toán trong vài năm gần đây cho thấy, khác biệt duy nhất qua kết quả kiểm toán hàng năm đối với các tập đoàn và tổng công ty của nhà nước là thua lỗ năm sau lớn hơn năm trước.


Trong khi các chuyên gia kinh tế nhiều lần cả quyết, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới suy thoái là việc dồn gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia cho các tập đoàn và tổng công ty của nhà nước, bất kể chúng hoạt động không hiệu quả.


Chế độ cũng bất kể các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là điểm tựa của toàn bộ nền kinh tế bị kiệt sức  rồi chết hàng loạt, mà mới đây, qua Hội nghị Trung ương 8, giới lãnh đạo Đảng CSVN vẫn xác định tiếp tục để “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. (G.Đ) 

MỚI CẬP NHẬT