Thursday, April 18, 2024

Thủ tướng Trung Quốc sắp tới Hà Nội

HÀ NỘI (NV) .- Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tới Hà Nội vào giữa tháng 10, theo loan báo của Bộ Ngoại Giao CSVN hôm Thứ Năm 3 tháng 10, 2013.

Ông Cường là nhân vật đứng hàng thứ nhì về chức tước chính trị của Bắc Kinh đến Việt Nam kể từ khi Trung Quốc bầu bán những chức vụ chóp bu quyền lực của chế độ độc tài nước này hồi đầu năm nay.







Lý Khắc Cường được cho là nhân vật số hai trong Bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc. (Hình: Getty Images)


Bản thông cáo của Bộ Ngoại Giao CSVN nói chuyến thăm viếng chính thức của ông Lý Khắc Cường “có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường, củng cố sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.”

Khi tới Hà Nội vào ngày 13 tháng 10 và ở Việt Nam tới ngày 15 tháng 10, ông này có dịp thảo luận với thủ tướng CSVN “các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm”. Bản thông cáo báo chí nói.

Trước chuyến đi của ông Lý Khắc Cường, ngoại trưởng của Bắc Kinh là Vương Nghị cũng đã tới Hà Nội hồi đầu tháng 8 vừa qua. Sau khi đã đến một số nước Đông Nam Á khác như Malaysia, Thái Lan.

Các cuộc thăm viếng của các lãnh tụ cấp cao Trung quốc từ chủ tịch Tập Cận Bình trở xuống trong những ngày nay đang diễn ra và thời gian gần đây ở khu vực các nước Đông Nam Á có vẻ như họ muốn mở các cuộc tấn công ngoại giao để đối phó với các hoạt động của Hà Nội và Manila đi tìm hậu thuẫn của Tây phương và các nước Á châu khác trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo

Khác với Manila dựa vào Hiệp định song phương an ninh với Mỹ và nhờ Nhật yểm trợ, Hà Nội tuy muốn mở rộng quan hệ “đối tác chiến lược” với nhiều cường quốc quân sự trên thế giới nhưng vẫn là một nước Cộng Sản nép bên cạnh một nước Cộng sản khổng lồ bên cạnh. Mỗi khi lãnh tụ cấp cao gặp nhau luôn luôn phải tung hô các khẩu hiệu “16 chữ vàng” (Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), và tinh thần “4 tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt).

Giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đang có những tranh chấp gay gắt về chủ quyền các quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Không những vậy, Bắc Kinh còn nhiều lần ngang ngược tuyên bố chủ quyền đến gần hết Biển Đông nằm trong 9 cái vạch gom lại thành hình “Lưỡi Bò”. Đấy là cái lý do mà Bắc Kinh cho tàu cản các tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam.








Cabin tàu đánh cá của ông Bùi Văn Phải bị tàu tuần Trung quốc bắn cháy tan hoang ở vùng biển Hoàng Sa sáng sớm ngày 20/3/2013. May mắn 4 bình gas dự trữ trên nóc cabin tàu không phát nổ nên 9 ngư dân đã thoát chết . (Hình: VNExpress).


Hà Nội liên minh ngấm ngầm với Manila vận động các nước ASEAN khác hình thành một khối duy nhất đối phó với Bắc Kinh với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và một số nước khác. Trong khi đó, Bắc Kinh vừa đe dọa, vừa liên tiếp mở các cuộc chạy đưa vận động ngoại giao, mua chuộc, chia rẽ khối ASEAN.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tới Indonesia và Malaysia. Tại thủ đô Jakarta, theo bản tin Reuters, ông này vẫn một luận liệu cũ và cứng rắn của Bắc Kinh. Họ không chấp nhận đàm phán đa phương mà chỉ muốn thảo luận tay đôi với các nước tranh chấp chủ quyền để dễ lấy thế nước lớn bắt nạt. Mồi nhử thì có sức mạnh kinh tế kỹ nghệ đứng thứ nhì thế giới.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 30 tháng 8, 2013, ngoại trưởng Vương Nghị cảnh cáo một số nước hội viên ASEAN (hiển nhiên nhắm vào Việt Nam và Philippines) là đừng có “cố múa may cái lập trường của mình rồi gọi đó là lập trường của cả tổ chức của khu vực” trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

Mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh chằng chịt trên mọi mặt. Gần như guồng máy vận hành nhà nước và đảng đến cách đối phó với sự bất mãn của quần chúng, kiểm soát internet, siết tự do thông tin đều rập khuôn theo cách của Bắc Kinh.

Mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc thì thâm thủng trầm trọng và kinh niên nghiêng về phía Việt Nam. Hà Nội nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh giúp gỡ cái thế bất quân bình này nhưng không hề thấy thay đổi.

Mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt $35.7 tỉ trong năm 2011, gia tăng 30.7% so với năm trước. Chỉ 10 tháng đầu năm 2012, mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt $33.6 tỉ, trong đó Việt Nam xuất cảng được $10.2 tỉ trong khi nhập cảng từ Trung Quốc $23.4 tỉ.

Việt Nam tùy thuộc đến 90% vào nguyên liệu, các loại phụ tùng và máy móc của Trung Quốc để sản xuất xuất cảng. Riêng hàng da và vải sợi nhập cảng của Trung Quốc nhiều nhất rồi mới tới Hàn Quốc và Ðài Loan.

Ngày 25 tháng 9, 2013, Việt Nam và Pháp ký thỏa ước “đối tác chiến lược”. Nước Pháp là nước thứ tư trong 5 nước thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ. Trước đó hai tháng, ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Mỹ chỉ ký được thỏa hiệp “Đối tác toàn diện” một cách hình thức vì không có gì làm quà trao đổi “chiến lược” với Hoa Thịnh Đốn, theo nhận định của một chuyên viên về các vấn đề Việt Nam.

Hà Nội thì cố gắng mở các mặt trận ngoại giao để củng cố cho cái thế đi dây của mình. Ông Lý Khắc Cường đến Việt nam trong 10 ngày nữa, sẽ nhử cái mồi gì để Hà Nội đừng xích lại gần với Mỹ với Nhật?

Mới ngày Thứ Hai vừa qua, nhà cầm quyền CSVN đã có món quà lịch sự gửi tặng ông Lý Khắc Cường là kết án tù một trong những người tham gia hăng hái các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền tại Hà Nội. Luật sư Lê Quốc Quân bị kêu án 30 tháng tù dưới cái vỏ bọc “trốn thuế” mà các luật sư biện hộ cho ông đã nêu ra các phi lý ngược ngạo của thứ luật pháp tùy tiện. 

Trong khi đó, ngư dân Việt Nam mon men đến gần quần đảo Hoàng Sa khai thác thủy sản ở ngư trường truyền thống suốt bao đời qua của mình, không ai tin họ được đám tàu tuần Trung Quốc để yên cho kiếm sống. (TN)

MỚI CẬP NHẬT