Thursday, March 28, 2024

Thủ tướng sẽ đích thân ‘chỉ đạo giải quyết’ vụ cưỡng chế


HÀ NỘI 3-2 (NV) –
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tới Hải Phòng đầu tuần tới để tháo gỡ những rắc rối đang gây rúng động dư luận vì cưỡng chế tài sản công dân ở xã Vinh Quang.









Nhà thì một căn bị san bằng, một căn bị đốt cháy trụi nên vợ con các ông Ðoàn Văn Vươn và Ðoàn Văn Quý phải sống tạm bợ trong một cái lều bạt. (Hình: VNExpress)


“Dự kiến trong tuần từ ngày 6-10 tháng 2 năm 2012, thủ tướng chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở trung ương và UBND TP. Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng.”


Một bản tin trên trang mạng chính phủ trung ương chinhphu.vn loan báo như vậy hôm Thứ Sáu. Ðể chuẩn bị cho cuộc họp đó “các bộ tài nguyên và môi trường, công an, nông nghiệp và phát triển nông thôn; tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình và nội dung vụ việc để có ý kiến tham mưu, đề xuất với thủ tướng chính phủ”.


Ðây là dấu hiệu xác nhận nhà cầm quyền trung ương đã phải nhảy vào giải quyết một cách cụ thể trước áp lực quá mạnh của dư luận xã hội, chứ không ở xa chỉ thị suông để nhà cầm quyền thành phố tự đối phó bằng các biện pháp trấn áp.


Phiên họp do ông Dũng cầm trịch nếu diễn ra sẽ là một tháng sau khi xảy ra vụ cưỡng chế chấn động dư luận. Hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, bộ đội và cán bộ đã được đưa tới cưỡng chế khu đầm nuôi cua cá và vườn cây ăn trái hơn 40 mẫu của anh em ông Ðoàn Văn Vươn, Ðoàn Văn Quý sáng ngày 5 tháng 1, 2012.


Những người chống cưỡng chế đã cho nổ hai quả mìn bằng bình ga và bắn súng hoa cải làm 4 cảnh sát và 2 huyện đội bị thương. Hai quả mìn chỉ nổ cái kíp mìn còn bình ga chỉ bị móp chứ không nổ.


Dù vậy, ba anh em ông Vươn và một người cháu đã bị tống giam. Họ bị truy tố về tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ” dù không có ai chết. Vợ ông Vươn và vợ ông Quý cũng bị truy tố nhưng được tự do tạm, dù họ không có mặt tại nơi diễn ra cưỡng chế.


Vụ chống cưỡng chế là đỉnh điểm của một vụ cưỡng chế tài sản công dân đã kéo dài suốt từ mấy năm qua. Anh em ông Vươn đã tình nguyện đổ công sức, đổ tiền vay mượn suốt gần 20 năm trời, biến một bãi bồi hoang vu dọc biển thành một khu đầm nuôi thủy sản và vườn cây ăn trái. Họ vẫn chưa thu hồi được đủ tiền để trả hết nợ thì bị cưỡng chế.


Ông Vươn kiện ra tòa án huyện, bị xử ức, ông kháng cáo ra thành phố thì được khuyến dụ bằng văn bản là rút đơn kiện sẽ được cho sử dụng. Nhưng rút đơn kiện thì bản án sơ thẩm có hiệu lực, dẫn đến hành động cưỡng chế, bất chấp sự thỏa thuận của nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng.


Lời lẽ trong văn bản “hòa giải” của một thẩm phán của tòa án Hải Phòng chứng minh rõ rệt sự lật lọng này.


Trong khi rất nhiều báo chí ở Việt Nam đứng về phía anh em ông Ðoàn Văn Vươn, nhà cầm quyền từ huyện Tiên Lãng đến thành phố đều cả quyết họ làm đúng luật, từ lấy lại tài sản do chính anh em ông Vươn dựng nên, biến không thành có, đến cái lệnh cưỡng chế.


Từ nguyên chủ tịch nước Lê Ðức Anh, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Ðặng Hùng Võ, một số luật sư đều nói nhà cầm quyền thành phố Hải Phòng tới huyện Tiên Lãng đã vi phạm pháp luật và hành động trái cả đạo lý.


Dù vậy, cùng một ngày 3 tháng 2, 2012 với bản tin Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì cuộc họp ngày Thứ Hai tới đây, báo Người Lao Ðộng nói nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng “sẽ tiếp tục cưỡng chế nhiều hộ dân” khác làm “nhiều hộ dân đang đứng ngồi không yên”.


Theo tin báo Người Lao Ðộng, ngoài việc cưỡng chế thu hồi tài sản của các gia đình Ðoàn Văn Vươn và Vũ Văn Luân, nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng “đã có thông báo sẽ thu hồi không đền bù gần 400 ha diện tích đầm bãi của hơn 20 hộ nuôi trồng thủy sản tại địa phương này”.


Tờ báo thuật lời ông Lương Văn Trong, phó chủ tịch chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ ở huyện Tiên Lãng nói “mỗi hội viên tối thiểu cũng đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để làm cống thoát nước, chòi canh… Riêng những hộ có quy mô vài chục hecta như hộ ông Vươn và ông Luân phải đầu tư đến hàng tỉ đồng. ‘Chúng tôi đầu tư nhưng chưa lấy lại vốn thì bị chính quyền thu hồi mà không bồi thường, còn những người được giao tiếp nhận đất đầm của chúng tôi lại được hưởng không. Ðiều này quá vô lý!’”


Ông Nguyễn Tấn Dũng, ngoài cương vị là thủ tướng chính phủ, còn là đại biểu Quốc Hội của huyện Tiên Lãng.


Một viên chức của Mặt Trận Tổ Quốc, LS Lê Ðức Tiết, sau khi đến thăm các nạn nhân đã cảnh cáo rằng nếu không giải quyết thấu tình đạt lý để yên dân thì vụ Tiên Lãng “là lời cảnh báo về những con sóng ngầm trong lòng dân đã xuất hiện”.


Luật Sư Lê Hiếu Ðằng, nguyên phó chủ tịch MTTQVN, trong cuộc trả lời phỏng vấn của đài RFI cho rằng chính sách đất đai hiện nay “hình thành một loại cường hào mới ở nông thôn” mà “rõ ràng vụ Tiên Lãng, Hải Phòng bộc lộ cái mức độ thối nát, mức độ ức hiếp quần chúng rất là nghiêm trọng”.

MỚI CẬP NHẬT