Thursday, March 28, 2024

Tiếp tục khai thác Bauxite là “cố đấm ăn xôi”

HÀ NỘI (NV) .- Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, chỉ trích các đề nghị ưu đãi để tiếp tục khai thác bauxite ở Tây Nguyên là “cố đấm ăn xôi”, còn tội vạ để cho dân chúng gánh chịu.









Một góc công trường khai thác bauxite ở Tân Rai, Lâm Đồng. (Hình: xaluan.com)


Cách nay sáu năm, khi nghe tin chế độ Hà Nội dự định tổ chức khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nhiều nhà khoa học, chuyên gia của đủ mọi lĩnh vực, ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đều đã lên tiếng ngăn cản. Ý định đó không những sẽ không khả thi về mặt kinh tế mà còn lãng phí công qũy, gây nguy hại cho cả môi trường, an ninh – quốc phòng, lẫn văn hóa – xã hội.


Bất chấp các phân tích, khuyến nghị, đầu tháng 2 năm 2009, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam đăng đàn tuyên bố: “Khai thác bauxite là chủ trương lớn của Đảng và nhà nước”. Ý định khai thác bauxite ở Tây Nguyên vẫn được thực hiện thông qua hai dự án: Dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhân Cơ (Đắk Nông).


“Chủ trương lớn” này đang thất bại thảm hại.


Năm ngoái, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), chủ đầu tư các dự án khai thác bauxite công bố: Tính đến cuối tháng 3, tổng vốn đầu tư cho dự án Tân Rai đã ở mức 11,000 tỉ đồng (tương đương 640 triệu USD). Nếu so giá thành với giá bán, TKV sẽ phải bù lỗ khoảng 5 năm và mất chừng 12 năm để thu hồi vốn.


Tương tự, với dự án Nhân Cơ, TKV tiết lộ, vốn đầu tư đã tăng thêm 31% so với dự tính trước đây. Thời gian hoàn thành dự án chậm khoảng 18 tháng so với kế hoạch. Thời gian thu hồi vốn mất khoảng 13 năm. Trước mắt, theo tính toán, chi phí vận chuyển sẽ tăng thêm 250,000 đồng cho mỗi tấn dạng bột alumina.


Báo cáo gần nhất của Bộ Công Thương gửi Quốc hội CSVN, thừa nhận, nhà máy alumin Nhân Cơ sẽ lỗ từ năm 2015 đến năm 2020. Còn dự án alumin Tân Rai, đã nuốt 70% tổng vốn đầu tư, trong đó có 10,790 tỉ đồng đi vay nước ngoài, sẽ lỗ đến năm 2015, với mức lỗ mỗi năm từ 176 tỉ đồng đến 258 tỉ đồng.


Tuy nhiên Bộ Công Thương vẫn khẳng định, về lâu dài các dự án khai thác bauxite “sẽ có hiệu quả kinh tế” nếu: Giảm phí bảo vệ môi trường từ 30,000 – 50.000 đồng/m3, xuống còn 7,000 đồng/m3. Chỉ trả tiền “mượn đất” cho dân rồi trả lại đất  sau khi khai thác xong bauxite chứ không bồi thường đất và miễn thuế giá trị gia tăng cho các dự án này.


Cũng vì vậy, bà Lan nhận định, TKV và Bộ Công Thương vẫn “cố đấm ăn xôi”. Bà Lan khẳng định, các số liệu trong báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội dù cho thấy thua lỗ rất lớn nhưng chưa thật, thua lỗ trên thực tế cao hơn rất nhiều. Bà chỉ trích, tuy ngay từ đầu đã có hàng loạt cảnh báo về hậu họa nhưng vẫn “lao vào làm” và nay, tuy thực tế đã chứng minh, các cảnh báo là chính xác mà vẫn ráng làm là “hành động không thể chấp nhận được”.


Theo bà Lan: “Xúc tài nguyên lên bán mà cũng lỗ thì xúc làm gì? Quyết tâm làm tới cùng như thế là không thể hiểu nổi nếu đứng trên logic bình thường”.


Chẳng riêng bà Lan, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho biết họ cảm thấy khó hiểu trước “quyết tâm khai thác bauxite ở Tây Nguyên”. Bà Lan phân tích, TKV không sợ lỗ vì không trả được nợ thì nhà nước trả vì đây là dự án nhà nước chủ trương, nhà nước phê chuẩn. Thời gian thực hiện dự án rất dài, khi không thể che giấu nợ nần thua lỗ được thì tất cả đã nghỉ hưu. Chỉ có dân chúng còng lưng trả nợ, phán xét là chuyện của… lịch sử.


Ông Lê Đăng Doanh, một chuyên gia kinh tế khác, cũng suy nghĩ như vậy và vì vậy, ông Doanh đề nghị, nếu muốn tiếp tục khai thác bauxite thì phải xác định người chịu trách nhiệm về hiệu quả của đồng vốn đã bỏ ra. Đó là trách nhiệm về tài chính, về hành chính, kể cả trách nhiệm hình sự, chứ không thể đổ cho “tập thể” được.


Hồi đầu tháng này, sau khi cùng một số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi khảo sát hiệu quả tổng thể về kinh tế – xã hội gắn với bảo đảm an ninh – quốc phòng của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, ông Mai Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, tuyên bố, sẽ đề nghị Quốc hội xét lại các dự án khai thác bauxite.


Sau khi TKV báo cáo, trong 7 năm tới, hai dự án khai thác bauxite tại Lâm Đồng và Đắk Nông ước tính sơ khởi sẽ bị lỗ khoảng 2,400 tỷ đồng (hay khoảng 120 triệu USD), ông Hùng nhấn mạnh cần xét lại và đánh giá cẩn trọng hệ lụy về nợ nần đối với hai dự án khai thác bauxite.


Tuy nhiên người ta không chắc Quốc hội CSVN có thể làm điều đó. Lý do, tuy không hiệu quả và tạo ra những khoản nợ khổng lồ cho quốc gia, những hiểm họa khó lượng về môi trường, an ninh – quốc phòng, lẫn văn hóa – xã hội nhưng “khai thác bauxite ở Tây Nguyên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT