Friday, March 29, 2024

Tiếp viên Vietnam Airlines buôn lậu vì được trả công cao

VIỆT NAM (NV)Lương không thấp, nhưng nguồn thu nhập từ hoạt động “kinh doanh hàng lậu” quá béo bở khiến tiếp viên hàng không, kể cả phi công của hãng Vietnam Airlines, không ngần ngại tham gia đường dây buôn lậu.


Có người nói đùa rằng, tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mãi lo tính toán “chuyện xách tay hàng về” nên quên cười với khách hàng. Họ còn được đặt cho biệt danh: “Nữ cửu vạn hàng không.”









Các “cửu vạn hàng không.” (Hình: báo Dân Trí)


Tiết lộ mới nhất trong nội bộ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines cho biết, tiền công cầm mỗi ký lô mỹ phẩm, kem dưỡng da… từ ngoại quốc về Việt Nam mà họ được trả, khoảng 250,000 đồng, tương đương 12.5 đô la. Người ta ước tính, với 10 chuyến bay nối liền Hà Nội, Sài Gòn và bốn thành phố lớn của Nhật Bản mỗi ngày, lực lượng tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines có thể mang theo về, riêng từ Nhật, vài tấn hàng. So với lợi tức thu được từ hoạt động buôn lậu, lương tháng trung bình khoảng 20 triệu đồng, tương đương 1,000 đô la không thấm gì với một tiếp viên hàng không Vietnam Airlines.


Thêm vào đó, theo báo mạng Kiến Thức, các cửa hàng, “shop” xách tay xuất hiện dầy đặc tại nhiều phố xá Hà Nội, khiến các nhân viên phi hành khó lòng cưỡng lại nhu cầu bộc lộ tâm lý sính hàng ngoại “xách tay” của người Việt Nam. Báo Kiến Thức còn cho biết, chủ nhân một tiệm bán “hàng xách tay” ở phố Nguyễn Sơn, Hà Nội còn trưng bày chiếc valise còn nguyên cuống vé Vietnam Airlines ở mặt tiền. Phố này từ khá lâu, nghiễm nhiên biến thành “thiên đường hàng xách tay,” nơi “hội tụ” của giới tiêu thụ sính hàng ngoại, đặc biệt là hàng Nhật và các tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines.


Ðường dây buôn lậu của các tiếp viên hàng không Vietnam Airlines có thể đã được hình thành từ rất lâu, nhưng nhà chức trách Nhật Bản không hề lưu tâm. Cho tới khi có người bị nghi đã mang hàng ăn cắp từ các siêu thị Nhật, tuồn về Việt Nam để bán cho các shop “hàng xách tay,” cảnh sát Nhật mới bắt đầu theo dõi hành tung của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines.


Theo báo mạng Eva, tiền công cầm hàng mà mỗi tiếp viên hàng không được trả khoảng 250,000 đồng, tương đương 12.5 đô la một ký lô. Ngoài khoản “phí” này, giá bán hàng xách tay được nâng lên thêm 25-50% so với giá gốc. Tuy nhiên, đối với người tiêu thụ trong nước sính hàng ngoại, giá “++” phí xách tay, phí phụ trội… vẫn không làm họ nản lòng, miễn sao họ được bảo đảm rằng đó là hàng “xách tay chính gốc.”


Tâm lý có thật và một loạt cửa hàng xách tay đầy hấp dẫn đã khiến không ít tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines trở thành người phục dịch mẫn cán, ngoan ngoãn của giới buôn lậu. Có người gọi họ là “nữ cửu vạn hàng không.”


Theo báo mạng VNExpress, tin tức nói về việc các phi hành đoàn và tiếp viên của Vietnam Airlines buôn lậu ngoại tệ, hàng hóa… không còn gây ngạc nhiên. Từ hàng chục năm nay, có không ít người đã bị bắt, bị sa thải. Các biện pháp trừng phạt hầu như không làm họ nản lòng, mà ngược lại, tiếp tục tái diễn với nhiều phương cách tinh vi hơn.


VNExpress dẫn tiết lộ của một số người nói rằng, tiếp viên hàng không chỉ “hái ra tiền” thật sự khi lọt vào danh sách làm việc trên các chuyến bay đến Liên Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, Singapore… Nguồn tin này nói rằng, các “cửu vạn hàng không” thường mang máy móc, vàng, thuốc lá, ngoại tệ, thiết bị viễn thông… khoảng mười năm trước đây. Hiện nay, hàng “ngon ăn” nhất lại là mỹ phẩm, từ kem dưỡng da, son phấn các loại cho đến nước hoa…


Cũng theo VNExpress, các ổ buôn lậu qua đường hàng không vào Việt Nam trót lọt, dễ dàng cho thấy đây là hoạt động có tính chất tập thể, từ cơ trưởng cho đến các tiếp viên. Một số người kể cho biết, khi vừa đáp xuống phi trường, toán tiếp viên hàng không Vietnam Airlines lập tức lao đến các trung tâm thương mại ngoại quốc để thu thập hàng hóa. Họ tìm cách “chẻ” hàng để nhét vào valise, càng nhiều càng tốt để kiếm lợi nhuận càng cao càng tốt, bất chấp nội qui sinh hoạt nội bộ.


Sau vụ nữ tiếp viên hàng không Nguyễn Bích Ngoc bị cảnh sát Nhật Bản bắt, hầu hết các đồng nghiệp của bà này ở Việt Nam đều tuyên bố: “Kệ thôi, tụi này vẫn cày miệt mài, đâu có sao.” (PL)

MỚI CẬP NHẬT