Thursday, March 28, 2024

Tra tấn chết dân, 5 công an chỉ bị 3 án tù, 2 án treo

PHÚ YÊN (NV) .- Năm sĩ quan Công an của thành phố Tuy Hòa tra tấn đến chết một người đàn ông tình nghi trộm cắp chỉ bị kết án tù nhẹ nên thân nhân nạn nhân tuyên bố sẽ kháng án.









Các sĩ quan Công an CSVN bị đưa ra tòa vì tra tấn chết ông Ngô Thanh Kiều ngày 13/5/2012. (Hình: Một Thế Giới)


Buổi chiều ngày Thứ Năm 3 tháng Tư, 2014, tòa án ở Tuy Hòa kết án 5 năm tù với Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, trinh sát của Công an TP Tuy Hòa);  2 năm tù với Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội- PC45, Công an tỉnh Phú Yên);  1 năm 6 tháng tù giam cho Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa).  Hai sĩ quan công an chỉ bị án treo là Nguyễn Tấn Quang (nguyên thiếu tá, Đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa): 1 năm 3 tháng tù treo; và Đỗ Như Huy (nguyên trung úy, cán bộ Công an TP Tuy Hòa): 1 năm tù treo.


Phiên tòa sơ thẩm này gây chú ý nhiều trong dư luận vì 5 ông sĩ quan công an nói trên là những người hiếm hoi bị lôi ra tòa kết án vì tra tấn chết người. Phần lớn những viên công an khác không bị truy tố nhờ được bao che dù các nạn nhân của họ chết, khi bị bắt điều tra, với các thương tích khắp thân thể, hậu quả của đánh đập bằng các vật cứng.


Tất cả 5 sĩ quan công an bị truy tố về tội “dùng nhục hình” dù luật sư của nạn nhân và một số luật sư, viên chức tư pháp, đương chức hay nghỉ hưu, của chế độ đều cho rằng xử án “sai tội danh”. Đúng ra, những người đó đều bị truy tố về tội danh “giết người” hay “cố ý gây thương tích” dẫn đến chết người cho Ngô Thanh Kiều vì ông này đã bị còng và giải về trụ sở công an “trái luật”.


Tội danh giết hay cố ý gây thương tích theo điều 104 trong Luật Hình Sự CSVN có thể bị kết án đến tù chung thân trong khi tội danh “dùng nhục hình” theo điều 298 chỉ có mức án tối đa đến 12 năm tù. Đã vậy, các bị cáo trên lại còn được “xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ”.


Sáng sớm ngày 13/5/2012, Ngô Thanh Kiều (sinh  năm 1982) khi bị đang ngủ ở nhà với vợ con thì bị công an xông vào còng tay bắt đi để điều tra về nghi vấn trộm cắp tài sản chung với hai người khác. Việc “mời” này, vừa dùng còng số 8, vừa bắt đi ngay trong đêm tối mà không có án tòa, không có lệnh kiểm tra hành chính hoặc các thủ tục khác về bắt giữ, là trái hoàn toàn với luật lệ hình sự tố tụng.


Theo tường thuật của báo chí Việt nam những ngày qua, thượng tá Lê Đức Hoàn, phó công an thành phố Tuy Hòa “chỉ đạo” nhóm công an đi bắt ông Kiều và hai đồng phạm tình nghi trộm cắp. Từ trụ sở công an xã Hòa Đồng, Ngô Thanh Kiều bị đưa tới trụ sở công an thành phố để thẩm vấn. Tại đây, các ông sĩ quan Công an Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Minh Quyền, Đỗ Như Huy, Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Tấn Quang tham gia “lấy lời khai” của Ngô Thanh Kiều bằng dùi cui khi đang bị còng tay vào thành ghế.


Thấy ông Kiều  “biểu hiệu mệt mỏi”, các báo ở Việt Nam thuật lại, ông được đưa tới bệnh xá của công an địa phương. Đến 17giờ 40 phút thì ông Kiều “chết trên đường đưa đến bệnh viện đa khoa Phú Yên”. Pháp y của tỉnh Phú Yên kết luận là  ông Kiều “chết do chấn thương sọ não”. Không những vậy, trên thân thể của ông Kiều, ngoài những dấu vết bầm tìm đầy người vì bị tra tấn, “cơ quan nội tạng như tim, phổ, gan, thận, dạ dày, lá lách v.v… đều bị tổn thương” – Theo lời ông Hoàng Việt, giám định viên Pháp Y của tỉnh Phú Yên khai ở tòa án ngày 28/3/2014, báo VietnamNet tường thuật.


Trước khi đưa vụ án này ra xử, ngày 28/6/2013, thẩm phán Lý Tho Hiền từng ký quyết định  “điều tra bổ sung vụ án” và yêu cầu truy tố các ông sĩ quan công an nói trên theo tội danh cố ý gây thương tích. Nhưng Viện Kiểm sát Tuy Hòa lại cho rằng các ông công an “đều là cán bộ công an được giao nhiệm vụ đấu tranh với đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, động cơ, mục đích do nôn nóng với kết quả điều tra, không nhằm mục đích gây thương tích hoặc gây ra cái chết đối với Ngô Thanh Kiều”, theo báo Tuổi Trẻ tường thuật.


Giữa tuần trước, Viện kiểm sát Tuy Hòa chỉ đề nghị một án tù cho Nguyễn Thân Thảo Thành còn những người kia đều được đề nghị án treo. Không những gia đình nạn nhân đã phẫn nộ, phản ứng ngay trong phiên xử sơ thẩm, mà dư luận cũng ngạc nhiên không kém.









Vợ và hai con nhỏ của nạn nhân tại phiên xử 5 công an tra tấn chết ông Ngô Thanh Kiều.(Hình: Tuổi Trẻ)


“Qua theo dõi vụ việc có thể thấy nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị công an TP Tuy Hòa đưa về trụ sở công an còng tay để lấy cung mà chưa có lệnh khởi tố, bắt khẩn cấp, bắt tạm giam, cũng không phải là bắt trong trường hợp phạm tội quả tang.”


“Thực chất đây không phải là trường hợp bắt để điều tra, mà là bắt giữ người trái pháp luật. Nhóm công an đã tham gia đánh đập anh Kiều không phải đang trong quá trình thực hiện các hoạt động điều tra tội phạm theo quy định của tố tụng hình sự, vì thế họ không phải là chủ thể của tội “dùng nhục hình”.

“Có thể nói nhóm điều tra viên, trinh sát Công an TP Tuy Hòa không có động cơ giết chết anh Kiều, tuy nhiên hậu quả thực tế là anh Kiều đã tử vong nên hành vi của nhóm công an trên mang dấu hiệu của tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” với tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự là dẫn đến chết người (khung hình phạt từ 5-15 năm).”Ông Nguyễn Văn Chung, Viện trưởng Viện kiểm sát Quận 3, Sài Gòn, nêu ý kiến trên tờ Tuổi Trẻ.


Còn ông Vương Văn Nghĩa, thẩm phán tòa hình sự ở Sài Gòn thì cho là “áp dụng án treo là trái chính sách pháp luật”, theo báo Tuổi Trẻ. “…Tội “dùng nhục hình” chỉ được áp dụng đối với những chủ thể là nhân viên tư pháp. Trong vụ án này, việc anh Kiều bị đưa đến công an mà không có giấy triệu tập hay lệnh bắt theo quy định của tố tụng hình sự thì chưa được xem là quá trình điều tra vụ án. Việc các công an đánh nghi can đến chết, dù chỉ với mong muốn nghi can nhận tội, không mong muốn nghi can tử vong thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh “giết người”.”


Trong vụ án này, thượng tá Công an Lê Đức Hoàn, phó công an thành phố Tuy Hòa, tuy là người ra lệnh bắt giam và tra tấn Ngô Thanh Kiều, tuy là kẻ chủ mưu và chủ tọa phiên tòa nhìn nhận là “có dấu hiệu phạm tội “bắt giữ người trái pháp luật” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên lại “xét thấy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và vì Viện KSND TP Tuy Hòa không truy tố nên tòa không có cơ sở để xét xử”. Luật sư của nạn nhân đòi truy tố ông này vì là người cầm đầu và ra lệnh cho thuộc cấp tra tấn người đến chết. (TN)

MỚI CẬP NHẬT