Thursday, April 18, 2024

Tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt và nước ngoài gia tăng

HÀ NỘI (NV)Càng ngày, tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài càng nhiều. Từ 2010 đến nay, số vụ kiện và số mặt hàng bị kiện tăng vọt.

Ðó là nhận định từ chi nhánh Cần Thơ của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI). Trong một báo cáo mang tên “Bài học kinh nghiệm từ các tranh chấp thương mại và nguy cơ nợ xấu đối với doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản,” do chi nhánh Cần Thơ của VCCI thực hiện, trong năm 2010, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới đối diện với ba vụ kiện, gồm hai vụ kiện chống bán phá giá và một vụ kiện chống trợ cấp.









Chế biến tôm xuất cảng tại một doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động xuất cảng là nguyên nhân khiến tranh chấp thương mại quốc tế gia tăng. (Hình: TBKTSG)


Sang năm 2011 số vụ kiện thương mại liên quan tới các doanh nghiệp bên ngoài Việt Nam tăng gấp đôi so với năm 2010: Sáu vụ (trong đó có bốn vụ kiện chống bán phá giá và hai vụ kiện chống trợ cấp).

Ðến năm 2012, số vụ kiện thương mại bên ngoài Việt Nam tiếp tục tăng gấp đôi so với năm 2011: 12 vụ (trong đó có chín vụ kiện chống bán phá giá và ba vụ kiện chống trợ cấp).

Trong năm tháng đầu năm nay, số vụ kiện thương mại bên ngoài Việt Nam là 7 vụ (trong đó có ba vụ kiện chống bán phá giá và bốn vụ kiện chống trợ cấp).

Ông Nguyễn Phương Lam, trưởng phòng Pháp Chế của VCCI Cần Thơ cho biết, tranh chấp thương mại quốc tế trong mua bán hàng hóa chiếm đến 70% số vụ tranh chấp. Theo dõi các vụ tỉ lệ tranh chấp thương mại quốc tế, ông Lam nhận xét, các doanh nghiệp xuất cảng của Việt Nam có hai nhược điểm lớn: (1) Không tìm hiểu kỹ về khách hàng nên thiếu cả thông tin về khách hàng lẫn thông tin về thị trường sẽ nhập cảng hàng hóa. (2) Không am tường luật pháp.

Ông Lam tiết lộ, khoảng 80% doanh nghiệp xuất cảng thiếu thông tin về khách hàng và thị trường sẽ nhập cảng hàng hóa do họ sản xuất. Một điểm đáng chú ý khác là khi ký hợp đồng xuất cảng, đa số doanh nghiệp Việt Nam không tìm hiểu trước những qui định liên quan tới tranh chấp thương mại, không dự liệu trước là nếu có tranh chấp thì nơi nào, ở đâu có thẩm quyền phân xử và rất ít doanh nghiệp mua bảo hiểm để tự bảo vệ mình.

Tuy đã áp dụng nhiều phương thức để thúc đẩy xuất cảng nhưng Việt Nam chưa cảnh báo cũng như đề ra biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất cảng dự phòng, giải quyết những tranh chấp thương mại quốc tế.

Ðến giữa năm ngoái, ông Nguyễn Ðình Cung, viện phó Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế tiếp tục lên tiếng cảnh báo về nguy cơ phát sinh nhiều dạng tranh chấp giữa quốc gia với quốc gia (liên quan đến các hiệp định và các cam kết khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới), quốc gia với doanh nghiệp (các vụ kiện thương mại quốc tế, các vụ kiện về đầu tư giữa nhà đầu tư và quốc gia nhận đầu tư, các vụ kiện hành chính) và giữa doanh nghiệp với nhau.

Ông Cung cho rằng, khủng hoảng kinh tế toàn cầu nói chung và sút giảm tăng trưởng tại Việt Nam, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ làm gia tăng tranh chấp trên các phương diện từ đầu tư, đến thương mại.

Sẽ có nhiều dự án thực hiện bằng vốn nước ngoài dở dang. Khi các dự án loại này bị hủy bỏ, đình hoãn, rút giấy phép… chính quyền sẽ phải xử lý đất đã giao, đã cấp cho các dự án. Tranh chấp sẽ phát sinh chủ yếu giữa chính quyền địa phương với chủ đầu tư, giữa chính quyền, nhà đầu tư với nông dân. Nếu những dự án bi rút giấy phép được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, tranh chấp sẽ phức tạp hơn.

Tranh chấp gia tăng còn vì tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài phá sản, đóng cửa. Chủ sở hữu và người quản lý rời Việt Nam dẫn tới những mâu thuẫn quyền lợi giữa chủ sở hữu với công nhân, chủ nợ và các bên liên quan khác. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT