Friday, March 29, 2024

Trung Quốc: Du lịch Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền

 

BẮC KINH 11-3 (NV) – Thêm một chức sắc Trung Quốc xác nhận Trung Quốc đang soạn thảo kế hoạch khai thác du lịch ở quần đảo Hoàng Sa đã cướp được của Việt Nam với chủ đích cao hơn là du lịch.

Ðảo Phú Lâm của Việt Nam (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng đảo) với các tòa nhà dần dần được xây dựng. Hiện Bắc Kinh loan báo đưa kế hoạch du lịch Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền tại quần đảo đã cướp được của Việt Nam từ năm 1974. (Hình: China Pictorial)

Một bản phổ biến trên tờ Trung Quốc nhật báo và đồng thời cũng thấy phổ biến trên Tân Hoa Xã hôm Thứ Bảy cho hay như vậy qua lời nói của một viên chức ngành du lịch của tỉnh đảo Hải Nam.

“Phối hợp với Tổng Cục Du Lịch Quốc Gia, chúng tôi đang soạn thảo một kế hoạch riêng biệt để mở quần đảo Tây Sa cho du lịch”. Vương Như Long, một viên chức của Sở Chính Sách và Luật Lệ của Cục Du Lịch Hải Nam nói với tờ báo nói trên.

Tây Sa là cách gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ông này nói kế hoạch sẽ nêu rõ các chính sách về phân bổ kỹ nghệ du lịch, bảo vệ môi trường của các đảo không có người cư trú và các yếu tố quan trọng khác liên quan tới phát triển du lịch ở quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên ông ta nói thêm, hiện vẫn chưa có một thời biểu đích xác cho vấn đề du lịch Hoàng Sa.

“Sự phát triển du lịch của chúng ta tại Tây Sa sẽ phải phù hợp với chiến lược ngoại giao của quốc gia”.

Trương Tích Cần, nguyên phó giám đốc Tổng Cục Du Lịch Quốc Gia Trung Quốc và là một thành viên của tổ chức “Chính Hiệp” (tương tự như Mặt Trận Tổ Quốc ở Việt Nam) nói ở báo nói trên là phát triển du lịch Hoàng Sa “không chỉ là mở mang nguồn tài nguyên du lịch. Nó còn quan trọng hơn nữa là để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo này”.

“Cá nhân tôi, tôi nghĩ việc mở du lịch ở Hoàng Sa là cần thiết. Nó cho phép người dân Trung Quốc đặt chân tới quần đảo này và họ sẽ có tình cảm mạnh mẽ hơn rằng các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) là các phần không thể tách rời khỏi Trung Quốc.” Trương Tích Cần nói.

Cho tới năm 1988 và kéo dài tới năm 1995, Trung Quốc mới đưa chiến hạm tới cướp một số đảo nhỏ, và bãi đá ngầm do các đơn vị của Việt Nam và Phi Luật Tân đồn trú tại quần đảo Trường Sa. Một trận đánh ở đảo Gạc Ma ngày 14 tháng 3, 1988 đã làm thiệt mạng 64 lính Việt Nam.

Bản tin trên tờ Trung Quốc nhật báo và Tân Hoa Xã ngày 10 tháng 3, 2012 chỉ cách bản tin khác của báo chí Trung Quốc có ba ngày khi tường thuật một phiên họp “Chính hiệp” ở Bắc Kinh mà Vương Chí Phát, phó tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch Trung Quốc phát biểu trong một phiên họp của tổ chức này rằng cơ quan của ông đang hợp tác chặt chẽ với tỉnh Hải Nam để phát triển du lịch Hoàng Sa.

Ðây không phải là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc hô hò du lịch tới quần đảo Hoàng Sa. Ít ra, từ năm 2007 khi họ loan báo thành lập “thành phố cấp huyện” gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Ðông Sa gộp lại thì đã bắn tiếng chuẩn bị kế hoạch du lịch rồi. Hai năm qua, năm nào thì tỉnh Hải Nam cũng cho người bắn tiếng về kế hoạch du lịch tới Hoàng Sa. Những lần như vậy thường thấy Hà Nội lên tiếng phản đối. Ngay bây giờ, chưa thấy Hà Nội nói gì nhưng tháng trước có thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lương Thanh Nghị cũng đã có vài lời phản đối một số kế hoạch của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa từ nghề cá, xây dựng cầu cảng đến phát triển du lịch tại quần đảo mà Việt Nam luôn luôn cả quyết thuộc chủ quyền không thể tranh cãi.

Hồi năm ngoái, khi ra điều trần tại Quốc Hội tháng 11, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam sẽ “đòi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình”.

Nhưng những gì Bắc Kinh đang chuẩn bị, từng thi hành, tại quần đảo Hoàng Sa cho thấy những lời tuyên bố của ông thủ tướng Việt Nam không có tác dụng gì đối với tham vọng của Bắc triều. Ðảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng đảo) đã được xây dựng rất nhiều cơ sở từ hành chính tới quân sự, cảng biển, phi trường và rất nhiều doanh thự có đầy đủ tiện nghi điện, nước. Một số đảo trong quần đảo Hoàng Sa cũng được Trung Quốc xây dựng cơ sở chứ không phải bỏ hoang mà Hà Nội từng đưa ra lời phản đối.

Các cuộc thương thuyết về chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc không được Hà Nội hé lộ một chi tiết nào nhưng, Giáo Sư Carl Thayer, một chuyên gia về các vấn đề Việt Nam của Học Viện Quốc Phòng Hoàng Gia Úc, từng cho hay Bắc Kinh gạt những yêu cầu của Việt Nam thảo luận về quần đảo Hoàng Sa, coi như đã nuốt gọn và không còn gì để bàn cãi. Có chăng chỉ có thể thương thuyết về quần đảo Trường Sa vì còn dính tới một số nước khác trong khu vực.

Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cướp đoạt từ tháng 1, 1974 sau một trận hải chiến với Hải quân VNCH. Việc Bắc Kinh cứng rắn về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến một vùng biển và thềm lục địa ở miền Trung Việt Nam khi họ lấy những hòn đảo này làm cơ sở để tuyên bố chủ quyền các vùng biển lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các viên chức và tướng lãnh Trung Quốc thường viện dẫn công hàm ngày 14 tháng 9, 1958 của Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc công nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung @uốc cũng như ủng hộ hành động cướp Hoàng Sa của Trung Quốc năm 1974 để phủ nhận những đòi hỏi hiện nay của Việt Nam.

MỚI CẬP NHẬT