Friday, March 29, 2024

Trung Quốc chối không bắn tàu cá Việt Nam


HÀ NỘI (NV) –
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vừa lên tiếng chối rằng đã không bắn tàu đánh cá và đánh đập ngư dân Việt Nam như phía Việt Nam cáo buộc.









Tàu đánh cá của ông Ðặng Tằm, Quảng Ngãi, bị tàu tuần Trung Quốc bắn, rồi kéo về đảo Phú Lâm, cướp đoạt hết ngư sản, đồ nghề, trang bị hải hành rồi thả cho về. (Hình: Bee.net)


Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 1 Tháng Ba 2012, phát ngôn viên Hồng Lỗi nói rằng “Trung Quốc không dùng võ lực khi thực thi pháp luật và không lên tàu Việt Nam. Các thông tin liên quan đến vụ việc không phù hợp với sự việc”.


Hồng Lỗi đưa ra lời phản ứng sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN cáo buộc tàu tuần Trung Quốc đã bắn đuổi, bắt giữ, đánh đập ngư dân và tịch thu hết ngư cụ, dụng cụ hải hành, ngư sản khi kéo tàu của ông Ðặng Tằm về đảo Phú Lâm, rồi mới thả ra.


Ông Ðặng Tằm, ngư dân tỉnh Quảng Ngãi sau khi về tới địa phương ngày 24 Tháng Hai 2012, trả lời phỏng vấn kể chi tiết vụ việc đã xảy ra cho tàu đánh cá của ông vào ngày 22 Tháng Hai 2012 vừa qua. Trên tàu của ông còn dấu vết đạn bị lính Trung Quốc bắn.


Ngày 29 Tháng Hai 2012, Lương Thanh Nghị, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho hay đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã gặp đại diện tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội phản đối vụ việc. Ông Nghị phản đối việc tàu tuần Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh tổ của Việt Nam cũng như bắt giữ, đánh đập và cướp tài sản, dụng cụ hành nghề của ngư dân Việt Nam.


Ông đòi hỏi phía Trung Quốc chấm dứt những hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và bồi thường cho ngư dân Việt Nam.


Việt Nam “hoàn toàn không thể chấp nhận được việc công dân Việt Nam lại bị sách nhiễu ngay trên vùng biển của nước mình”. Ông Nghị nói.


Từ khi cướp được quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 đến nay, ngư dân Việt Nam đến gần quần đảo này đánh bắt hải sản đều bị tàu tuần Trung Quốc bắt giữ, cướp đoạt tài sản. Một số trường hợp bị kéo về đảo Phú Lâm rồi đòi tiền chuộc. Một vài trường hợp tệ hại còn đâm chìm tàu hay bắt chết ngư dân Việt Nam.


“Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc ngư dân Việt Nam hoạt động nghề cá tại các vùng biển thuộc hai quần đảo này là việc làm bình thường… phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Ông Nghị nói trong cuộc họp báo.


Nhưng trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Hồng Lỗi, cũng như các phát ngôn viên khác của họ, lại luôn luôn cả quyết các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.


“Gần đây, ở các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, một cách hợp pháp, Trung Quốc đã xử lý các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của người Việt Nam, và đã trục xuất những người này ra khỏi khu vực. Ðó là những việc làm hoàn toàn hợp pháp”. Hồng Lỗi nói một cách tổng quát và chối chuyện đánh đập ngư dân và cướp đoạt tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt. Họ chưa hề nhìn nhận một vụ đánh đập, cướp đoạt tài sản nào của ngư dân Việt Nam dù rất nhiều vụ đã xảy ra trong những năm gần đây gần quần đảo Hoàng Sa.


Mới ngày 21 Tháng Hai 2012, thông tấn xã TTXVN đưa tin hai công dân Trung Quốc trôi dạt trên biển Ðông được ngư dân Việt Nam cứu sống ngày 11 Tháng Hai 2012 khi chiếc tàu tên Quế Phòng của họ chết máy.


“Cục Lãnh Sự, Bộ Ngoại Giao đã thông báo cho đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh làm thủ tục tiếp nhận 2 công dân Trung Quốc và tàu nói trên. Ðại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã cảm ơn Bộ Ngoại Giao và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã cứu hộ kịp thời tàu Quế Phòng 21558 và tạo điều kiện thuận lợi để 2 công dân Trung Quốc về nước,” TTXVN kể.


Những năm gần đây, báo chí ở Việt Nam loan tin hàng đoàn tầu đánh cá Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng biển Việt Nam để đánh cá. Tàu tuần hay cảnh sát biển của Việt Nam chỉ dám tới xua đuổi mà không có một vụ nào bắt giữ. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT