Tuesday, April 16, 2024

Trung Quốc đem máy bay không người lái tới đảo Phú Lâm

WASHINGTON (NV) – Hình ảnh chụp từ vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đưa một loại máy bay không người lái tầm xa đến đảo Phú Lâm, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lấn dần từng bước trên Biển Đông.

Máy bay không người lái loại BZK-005 mà vệ tinh nhìn thấy trên đảo Phú Lâm. (Hình: ImageSat/Fox)

Đây là lần đầu tiên người ta thấy có dấu tích Trung Quốc đưa máy bay không người lái tới các đảo đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Loại máy bay không người lái này trùng hợp với hình ảnh của loại máy bay không người lái tầm xa mà Trung Quốc sản xuất có ký hiệu là BZK-005, với khả năng “tàng hình” và có thể ở trên không tới 40 giờ.

Dấu hiệu Trung Quốc mang máy bay không người lái đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc sử dụng làm bản doanh kiểm soát Biển Đông, được hãng tin truyền hình Mỹ Fox News bình luận là một dấu hiệu leo thang căng thẳng ở khu vực. Trung Quốc cướp quần đảo Phú Lâm sau một trận hải chiến với hải quân VNCH năm 1974.

Trước khi đến Nhật Bản tham dự hội nghị G-7, Tổng Thống Mỹ Barack Obama đến thăm Việt Nam, hồi đầu tuần này loan báo gỡ bỏ toàn diện lệnh cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam. Mấy ngày qua, Trung Quốc đả kích ông là “châm dầu vào lửa.”

Hình ảnh mà tổ chức ImageSat International chụp được hồi tháng trước có vẻ như chiếc BZK-005 không võ trang. Hiện nay, người ta không thấy nó có khả năng trang bị và phóng hỏa tiễn. Trước đó, sau khi có tin chiến hạm Hoa Kỳ đi vào bên trong 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo cực Nam của quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã đưa hai giàn hỏa tiễn địa không HQ-9 đến đặt tại phía bắc đảo Phú Lâm.

Việc Trung Quốc đem hỏa tiễn HQ-9 tới Phú Lâm trùng hợp với việc tổng thống Mỹ mời nguyên thủ của 10 nước ASEAN đến họp mặt tại một khu nghỉ dưỡng ở vùng sa mạc phía Nam tiểu bang California như một cách bắn tiếng cảnh cáo. Hỏa tiễn HQ-9 tương tự như hỏa tiễn phòng không S-300 của Nga với tầm sát thương 300km.

Sau khi cướp được quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã xây dựng một phi đạo hồi thập niên 1990 trên đảo Phú Lâm. Sau đó, mở rộng và lập thêm 2 cảng biển, xây dựng rất nhiều cơ sở gồm cả nhà máy phát điện, đài radar, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, trung tam truyền tin viễn thông, biến đảo này trung tâm chỉ huy kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông.

Xin mời xem thêm video: ASEAN và G7
đều quan ngại tình hình Biển Đông

Hai năm trở lại đây, Bắc Kinh cũng đã ào ạt bồi đắp 7 bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, cũng cướp của Việt Nam, thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ. Trên đó 3 đảo có các phi đạo dài 3,000 mét, dài đủ cho các phi cơ quân sự lớn nhất của họ lên xuống, bên cạnh các cảng biển, đài radar, trung tâm truyền tin vệ tinh, hải đăng.

Khi đến Tòa Bạch Ốc hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với báo chí là Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Biển Đông. Nhưng những tin tức từ đầu năm đến nay cho thấy hoàn toàn ngược lại. Tháng 2 năm nay, khi Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry ở Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc nói rằng Trung Quốc chỉ mang một số võ khí có tính “phòng thủ” đến các đảo trên Biển Đông.

Giới phân tích thời sự quốc tế nhiều lần cảnh cáo chiến thuật của Bắc Kinh là lấn dần từng bước với tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” nếu các nước khác không phải ứng mạnh. (TN)

MỚI CẬP NHẬT