Thursday, April 18, 2024

Trung Quốc ‘lục soát, đuổi tàu nước ngoài trên biển Ðông sẽ dẫn đến xung đột’

Tổng thư ký ASEAN cảnh cáo


 


JAKARTA (NV) –Một trò mới của Bắc Kinh được thi hành qua một quyết định của tỉnh Hải Nam cho phép lục soát và xua đuổi tàu các nước khác mà họ gọi là “xâm nhập bất hợp pháp” vào “vùng biển chủ quyền” của họ trên biển Ðông đang tranh chấp có thể dẫn đến xung đột võ trang và ảnh hưởng đến kinh tế của khu vực.









Ðoàn tàu đánh cá Trung Quốc từ Hải Nam được lùa xuống khu vực Trường Sa giữa Tháng Bảy 2012 biểu diễn “chủ quyền” khi chạy ngang bãi đá ngầm cướp của Việt Nam năm 1988 mà Bắc Kinh đặt tên lại là đảo Chử Bích. (Hình: AP photo)


Ông Surin Pitsuwan, tổng thư ký sắp mãn nhiệm của tổ chức ASEAN, cảnh cáo như thế hôm Thứ Sáu 30 tháng 11, 2012. Ông nói quyết định của Bắc Kinh là “bước ngoặc rất nghiêm trọng”.


Tờ Trung Quốc Nhật Báo, bản Anh ngữ, hôm Thứ Tư 28 tháng 11, 2012 đưa tin cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam được lệnh lên tàu và khám xét các tàu bị coi là “xâm nhập bất hợp pháp” vào vùng biển thuộc thẩm quyền tỉnh này.


Quyết định, có hiệu từ đầu tháng 1 năm 2013, đã được nhà cầm quyền tỉnh Hải Nam thông qua hôm Thứ Ba 27 tháng 11 năm 2012 cho quyền cảnh sát biên phòng leo lên tàu nước ngoài “xâm phạm bất hợp pháp vùng biển chủ quyền” hoặc ra lệnh cho những tàu đó “hoặc đổi hướng hoặc ngừng chạy”.


Theo sự nhận định của ông Pitsuwan, hành động của Bắc Kinh “chắc chắn gia tăng mức độ quan ngại và mức bất an lớn lao cho tất cả các bên, đặc biệt là những nước cần tiếp cận, đi qua và tự do hải hành” trên biển Ðông. Ông Pitsuwan nói như thế với hãng thông tấn Reuters qua điện thoại từ Thái Lan.


Những lời cảnh cáo khá mạnh khác với sự nhẹ nhàng thường thấy của ông suốt 5 năm qua trên ghế tổng thư ký ASEAN. Theo ông, quyết định đó sẽ tạo ra những biến cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến niềm tin vào khu vực Ðông Á, một vùng quan trọng trong nền kinh tế thế giới.


Ít ngày qua, cả Việt Nam, Ấn Ðộ và Philippines đã phản ứng đối với cái bản đồ “Lưỡi Bò” và các vùng tranh chấp in trong quyển hộ chiếu của Trung Quốc. Trước sự chống đối của các nước, Bắc Kinh lại còn gia tăng khiêu khích khi cho tỉnh Hải Nam ra quyết định lục soát và xua đuổi tàu nước ngoài trên biển Ðông.


Một số chuyên viên phân tích chính trị quốc tế từng cho rằng khu vực biển Ðông sẽ là điểm nóng của thế giới vì sự tranh chấp chủ quyền biển đảo của nhiều nước trước tham vọng bá quyền của Bắc Kinh muốn nuốt cả.


Trong khi in hộ chiếu có “Lưỡi Bò” và ra nghị định ngang ngược như vậy, Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh lại thanh minh trong cuộc họp báo hôm Thứ Sáu là “Tất cả các quốc gia đều có quyền tự do đi trên biển Ðông theo như luật biển quốc tế… Tại thời điểm này thì không có vấn đề gì…”


Hồng Lỗi vẫn thòng thêm cái đuôi thường lệ là Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán với các nước để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khi bị hỏi về cái quyết định lục soát tàu và xua đuổi tàu nước ngoài, Hồng Lỗi vẫn chỉ nói mơ hồ là sự quản lý các vùng biển theo luật lệ là thi hành “chủ quyền hợp pháp của quốc gia”.


Lời tuyên truyền và hành động của Bắc Kinh thường không đi đôi với nhau.


Tại Hoa Thịnh Ðốn, một phát ngôn viên quân sự cho rằng những gì thấy nói trên báo chí chỉ liên quan đến cảnh sát biển của tỉnh Hải Nam chứ không phải lực lượng quân sự nên cái chủ trương này vẫn chưa được họ xác định rõ.


Ðồng thời, bà Victoria Nuland, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ nói trong cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Ðốn hôm Thứ Năm là chính phủ Hoa Kỳ sẽ đòi Bắc Kinh giải thích. Theo bà, hành động của Bắc Kinh làm “gia tăng căng thẳng”.


Vẫn không thấy Hà Nội đưa ra phản ứng gì về quyết định ngang ngược của tỉnh Hải Nam lục soát xua đuổi tàu nước ngoài trên biển Ðông, nhưng tổng thống Philippines cho hay ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao kiểm chứng với Bắc Kinh về cái trò nói trên. Nếu được xác nhận, Philippines sẽ gửi công hàm phản đối chính thức.


Theo Tổng Thống Philippines Benigno Aquino, quyết định đó của Bắc Kinh sẽ khó thi hành vì nó đi ngược lại Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).


“Chúng tôi sẽ tiến hành nhanh việc đem vấn đề ra trước tòa án quốc tế để giải quyết vấn đề cho xong hay ít nhất khởi đầu một tiến trình giải quyết vấn đề một cách hợp pháp và cụ thể”. Ông Aquino nói. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT