Thursday, March 28, 2024

‘Trung Tâm Cứu Hộ Gấu’ Tam Ðảo kêu cứu


Bị đuổi đi nơi khác ‘vì an ninh quốc phòng’


 


VĨNH PHÚC (NV) – Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam đòi dời “Trung Tâm Cứu Hộ Gấu” tại công viên quốc gia Tam Ðảo đi nơi khác “vì lý do an ninh quốc phòng,” trong khi đó, Tổ Chức Bảo Vệ Ðộng Vật Châu Á nói rằng yêu cầu này xuất phát từ quyền lợi của người con gái của giám đốc công viên này.









Gấu nhốt trong cũi sắt tại một trang trại thuộc loại sạch sẽ và nhân đạo. Một gam mật gấu có giá khoảng 1 triệu VND. (Hình: STR/Getty Images)


Theo Tổ Chức Bảo Vệ Ðộng Vật, thì con gái ông Ðỗ Ðình Tiến, giám đốc Công Viên Quốc Gia Tam Ðảo, có phần hùn trong công ty Trường Giang Tam Ðảo, và công ty này dự định khai thác thương mại liên quan đến bất động sản tại đây.


Vẫn theo Tổ Chức Bảo Vệ Ðộng Vật Châu Á, con gái ông Ðỗ Ðình Tiến là một trong bốn cổ đông hùn vốn trong công ty Trường Giang Tam Ðảo, và ông Tiến không hề công khai thông tin này.


“Trung Tâm Cứu Hộ Gấu Tam Ðảo” nằm ở thung lũng Chắt Dậu, thuộc vùng đệm của Vườn Quốc Gia Tam Ðảo. Trung tâm hoạt động từ năm 2008 với đầu tư hơn $2 tỉ từ tổ chức bất vụ lợi Bảo Vệ Ðộng Vật Châu Á (Animals Asia Foundation – AAF), với mục đích giải cứu và bảo vệ loài gấu được liệt vào ‘sách đỏ’ do bị săn đuổi cho công nghệ nuôi lấy mật.”


Phía Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Việt Nam ra lệnh Trung Tâm Cứu Hộ Gấu Tam Ðảo phải ngừng mở rộng, đồng thời dời đi nơi khác, vì “nằm trong vùng đất an ninh của tỉnh Vĩnh Phúc.”


Tuy nhiên, theo Tiến Sĩ Tuấn Bendixsen, trưởng đại diện Bảo Vệ Ðộng Vật Châu Á tại Việt Nam, thì vấn đề này có lẽ “liên quan đến đất đai, vì dự án đã được chính thủ tướng chính phủ Việt Nam phê duyệt từ năm 2008, bắt đầu xây dựng từ năm 2009 với sự đồng ý và theo dõi của tỉnh Vĩnh Phúc.”


Trong khi đó, theo nội dung công văn số 1997/BQP-TM của Bộ Quốc Phòng gửi Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Trung Tâm Cứu Hộ Gấu “nằm trong khu vực phòng thủ của tỉnh Vĩnh Phúc,” và đây là “địa hình có giá trị đặc biệt quan trọng đối với nhiệm vụ quốc phòng.”


Ông Tuấn nói rằng ông hy vọng phía Việt Nam có những quyết định công bằng, và “vấn đề này xảy ra cũng là do ông giám đốc Vườn Quốc Gia Tam Ðảo vận động hành lang để lấy phần đất của Trung Tâm Cứu Hộ Gấu làm khu du lịch nghỉ dưỡng.”










Một con gấu ngựa Việt Nam, với lưỡi liềm vàng đặc trưng trên cổ, bị chọc bụng lấy mật. Mật của gấu ngựa được cho là loại mật tốt nhất. (Hình: Internet)


Tổ chức Bảo Vệ Ðộng Vật Châu Á cáo buộc ông Tiến liên tục áp lực để đẩy Trung Tâm Bảo Vệ Gấu đi nơi khác. Ðầu tiên, ông Tiến tung tin Trung Tâm Cứu Hộ Gấu xả nước thải gây hại đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng dân cư xung quanh; sau khi điều tra, Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Vĩnh Phúc bác bỏ mọi cáo buộc đối với trung tâm. Tiếp theo, ông Tiến “tác động Bộ Quốc Phòng để tăng sức ép lên Bộ NN & PTNT nhằm ngăn chặn các hoạt động phát triển theo kế hoạch của Trung Tâm Cứu Hộ Gấu.”


Hiện có 104 con gấu, gồm hai loài gấu ngựa và gấu chó, đang được chăm sóc tại Trung Tâm Cứu Hộ Gấu Tam Ðảo. Theo nhân viên tại đây: “Nhiều con bị chọc bụng nhiều lần một ngày nên không có thời gian để phục hồi. Vết thương mưng mủ lở loét.”


National Geographic của Hoa Kỳ mô tả tình trạng nuôi và lấy mật gấu trái phép tại Việt Nam như sau: “Tại một trang trại ở ngoại thành Hà Nội, 20 con gấu ngựa bị nhốt trong lồng sắt đang thở hổn hển vì khát. Chúng đờ đẫn và tuyệt vọng nhìn qua song sắt, chờ đến phiên mình bị chọc thủng bụng.Trong quá trình lấy mật, gấu sẽ bị gây mê và trói chặt. Sau đó, chúng bị chọc liên hồi vào bụng bằng một chiếc kim dài cho đến khi con người xác định đúng vị trí của túi mật mới thôi.”


Theo tổ chức Bảo Vệ Ðộng Vật Châu Á, những nhân viên trong chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã từng chứng kiến gấu tự sát trong các trang trại để không phải chịu thêm đau đớn mỗi ngày, nhiều lần một ngày.


Ông Louis Ng., giám đốc Trung Tâm Giáo Dục và Nghiên Cứu Ðộng Vật tại Singapore, nói rằng ông “từng thấy một con gấu cái nằm bất động trong lồng. Chủ trại nói con gấu đã tuyệt thực trong 10 ngày, đến ngày hôm sau thì nó chết.”


Một bác sĩ thú y tận mắt chứng kiến và kể lại câu chuyện thương tâm: “Chú gấu con nhìn mọi người với ánh mắt sợ hãi. Khi người ta ra lệnh bắt đầu tiểu phẫu, con gấu thét lên những tiếng thét đau thương. Cũng vào lúc đó, cảnh tượng bất thường đã xảy ra: gấu mẹ trong lồng thét lên một tiếng và nhảy dựng lên. Bốn người công nhân đang giữ gấu con hoảng sợ. Gấu mẹ không hề để ý tới sự tồn tại của mấy người xung quanh, chạy nhanh đến trước gấu con, dùng bàn tay của mình để tháo sợi dây nhưng không thể nào gỡ được. Nó chỉ có thể hôn gấu con, ôm gấu con vào lòng, dùng lưỡi để liếm những giọt nước mắt đang chảy của gấu con, kêu nhẹ nhẹ như để an ủi đứa con yêu thương của mình. Ðột nhiên, gấu mẹ kêu lên những tiếng kêu điên dại, dùng bàn tay của mình bóp chặt lấy cổ gấu con, vừa hét vừa dùng sức… cho đến khi thân thể của gấu con trở nên mềm oặt và ngã xuống, gấu mẹ mới thả lỏng tay ra. Vừa nhìn xác đứa con của mình vừa thét, gấu mẹ tự cào rách người mình, rồi cố gắng kéo những ống sắt trong người mình ra, máu cứ thế tuôn chảy.”









Một trong những chú gấu được Trung Tâm Cứu Hộ Gấu chăm sóc tại công viên quốc gia Tam Ðảo. (Hình: Tổ chức Bảo Vệ Ðộng Vật Châu Á cung cấp)


“Tôi nghĩ gấu mẹ không còn cách nào khác là phải giúp con mình giải thoát khỏi nỗi đau khổ như địa ngục mà nó phải chịu đựng suốt 20 năm.” Vị bác sĩ kể lại.


Theo Tiến Sĩ Tuấn, Việt Nam có đạo luật bảo vệ gấu từ năm 2007, nhưng tại cửa khẩu biên giới, luật bảo vệ gấu dường như không có ý nghĩa. Vẫn còn khoảng 4,000 con nữa vẫn đang bị nhốt trong những chiếc lồng ẩm thấp, chật chội, chịu đói, khát và đau đớn vì nhiều lần bị chích mật ở các trang trại nuôi gấu lấy mật tại Việt Nam.” (T.A.)

MỚI CẬP NHẬT