Thursday, March 28, 2024

Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương lo ngại tranh chấp biển Ðông

 


HAWAII (NV)Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương sắp nghỉ hưu lo ngại các xung đột nhỏ diễn ra quanh quần đảo Trường Sa thể biến thành những xung đột lớn hơn.


Ðô Ðốc Patrick Walsh nhận định hôm Thứ Ba rằng có các nguy cơ cho một biến cố trên biển Ðông tăng cường độ gần giống như sự căng thẳng xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản khi các chiếc tàu của hai nước này đụng nhau gần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật hay Ðiếu Ngư Ðài theo cách gọi của Trung Quốc, mà cả hai bên đều nói thuộc chủ quyền nước mình.










Ðô Ðốc Patrick Walsh. (Hình: US Navy)


“Biến cố leo thang từ một chuyện địa phương có thể kềm chế được, giải quyết được, nhanh chóng biến thành một tranh chấp giữa hai nước.” Ông Walsh nói trong cuộc tiếp xúc tại Bộ Tư Lệnh của ông đặt tại Hawaii ít ngày trước khi trao lại quyền chỉ huy cho Phó Ðô Ðốc Cecil Haney.


Theo ông biển Ðông, theo cách gọi của Việt Nam, là hành lang vận chuyển hàng hóa, dầu khí rất bận rộn của khu vực cũng như của thế giới. Các tàu chở dầu vận chuyển dầu từ Trung Ðông đến các nước ở phía Ðông Châu Á và cũng là hành lang hàng hải vô cùng quan trọng của các nước Á Châu-Thái Bình Dương.


“Dù đứng trên quan điểm nào, sự an ninh và ổn định cũng cực kỳ quan trọng tại vùng biển này,” ông nói. “Bất cứ sự gián đoạn nào cũng gây ra khó khăn thật sự.”











Bản đồ biển Ðông với đường vạch “Lưỡi Bò” mà Trung Quốc ngang nhiên
đưa ra rồi nói cả vùng nằm trong đó là
của nước mình bất chấp Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS)
mà họ cũng như Việt Nam đều là thành viên. (Hình: Internet)


Sáu nước trong khu vực gồm Brunei, Mã Lai, Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Ðài Loan hoặc tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn thể đối với khu vực quần đảo Trường Sa. Riêng Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Bên trên đó, Trung Quốc còn tuyên bố gần hết khu vực biển Ðông là của họ nằm trong những đường vạch hình “Lưỡi Bò.”


Vùng biển này, ước tính có một trữ lượng dầu khí lớn lao dưới lòng biển lại càng làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo thêm phần nghiêm trọng.


Ông Walsh nhắc lại biến cố xảy ra cách đây 2 năm khi một chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc đâm tàu tuyền duyên của Nhật Bản ở khu vực đảo Senkaku. Thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc bị Nhật bắt giữ làm Bắc Kinh tức giận hủy bỏ các liên lạc cấp bộ trưởng với Tokyo và đình hoãn các thương thuyết hợp tác phát triển một số mỏ khí đốt dưới lòng biển. Tiếp theo, Bắc Kinh đã ngưng bán đất hiếm, một thứ kim loại rất cần thiết trong nhiều kỹ nghệ cao. Nhiều cuộc biểu tình chống Nhật đã diễn ra ở Trung Quốc. Cuối cùng thì thuyền trưởng đánh cá Trung Quốc được trả tự do mà không phải trả đồng tiền phạt nào dưới áp lực rất mạnh từ Bắc Kinh.


Ông Walsh cho rằng rất nhiều căng thẳng diễn ra từ sự đe dọa cấm vận bán đất hiếm.


“Vụ việc leo thang nhanh chóng do sự xúc động được kích thích (chủ quyền lãnh thổ) từ cả hai phía là điều tôi quan ngại.” Ông nói.


Các nước tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa cũng có những dấu hiệu không kém xúc động những năm gần đây. Cả Việt Nam cũng như Philippines nhiều lần cáo buộc tàu Trung Quốc vi phạm các vùng biển thuộc chủ quyền của họ khi cắt cáp thăm dò dầu khí hoặc cản trở thăm dò dầu khí.


Trong khi ông Walsh phát biểu ở Hawaii, 4 thượng nghị sĩ Mỹ đang có thăm viếng Philippines rồi đến Việt Nam từ ngày Thứ Năm tuần này. (TN)


 

MỚI CẬP NHẬT