Friday, March 29, 2024

Tướng Vĩnh đòi ông Nguyễn Phú Trọng từ chức

HÀ NỘI  (NV) .- Tổng Bí thư Đảng CSVN không còn đủ uy tín cần thiết và “nên từ chức”. Hội nghị Trung ương 8 sẽ chẳng tạo ra tác động tích cực nào đối với hiện tình Việt Nam.









Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu thiếu tướng và từng là đại sứ CSVN tại Bắc Kinh. (Hình: Tuổi Trẻ)

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Thiếu tướng Quân đội CSVN, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cựu Phó Ban Tổ chức của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN, khi trả lời BBC về Hội nghị Trung ương 8.


Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN đang họp hội nghị lần thứ 8 (Hội nghị Trung ương 8). Hội nghị này khai mạc hôm 30 tháng 9 và sẽ kết thúc vào ngày 9 tháng 10, trước khi Quốc hội của chế độ tái nhóm.


Theo trang web chinhphu.vn của chế độ Hà Nội, ở hội nghị trung ương lần này, Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 của Đảng CSVN sẽ “bàn về công tác nhân sự”. Đóng góp ý kiến về nội dung dự thảo hiến pháp, trước khi dự thảo này được trình cho Quốc hội Việt Nam xem xét ở kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 10. Kiểm điểm công việc của Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong năm 2013 và “có khả năng sẽ diễn ra các phiên chất vấn như tại Quốc hội”.


Trò chuyện với BBC về những vấn đề có liên quan tới Hội nghị Trung ương 8, ông Vĩnh cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đương nhiệm của Đảng CSVN là Tổng Bí thư đầu tiên bị các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, bác bỏ nhiều đề nghị. Điều này cho thấy ông Trọng không được tín nhiệm. Cũng vì vậy, ông Trọng nên xin từ chức.


Ở Hội nghị Trung ương lần 6, đa số thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương của Đảng CSVN đã “nhất trí” không kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng, dù nhân vật này được xác định là đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm về tình hình kinh tế – xã hội càng ngày càng bi đát. Tổng Bi thư Đảng CSVN đã ứa nước mắt khi thông báo kết quả  Hội nghị Trung ương lần 6 và gọi ông Dũng – nhân vật không thể kỷ luật là “Đồng chí X”. Nước mắt của ông Trọng và cụm từ “Đồng chí X” trở thành một thành ngữ mới để công chúng dè bỉu cả Đảng CSVN lẫn Thủ tướng Việt Nam.


Sang Hội nghị Trung ương lần 7, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng CSVN đã “nhất trí” đưa ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân – hai Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào Bộ Chính trị, nâng tổng số thành viên Bộ chính trị từ 14 lên 16 người. Sự “nhất trí” đó lại tiếp tục là đề tài để công chúng bình phẩm về những rạn nứt trong nội bộ và về sự thất thế của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng CSVN.


Trước đây, ông Trọng đã vận động tái lập hai ban trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng là Ban Nội chính và Ban Kinh tế, sắp xếp để ông Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng Ban Nội chính, ông Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban Kinh tế. Tuy nhiên trong Hội nghị Trung ương lần 7, cả ông Thanh và ông Huệ đều không đủ phiếu để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.
 
Trong khi ông Trọng liên tục lặp đi, lặp lại sự kiên định về việc “xây dựng chủ nghĩa xã hội” tại Việt Nam cũng như phải duy trì đặc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN thì ông Nguyễn Trọng Vĩnh nhận định, ông Trọng đã có những tuyên bố “không đúng sự thật” về hiện tình Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Trọng bảo rằng, tuyên bố “tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ những nội dung chủ chốt của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi” của ông Trọng là “sai sự thật” và “không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”.


Ông Vĩnh cũng cảnh báo rằng, kinh tế Việt Nam đang sa sút nghiêm trọng, Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với các quốc gia trong khu vực, khó khăn chồng chất. Tuy Đảng CSVN tuyên bố, trong Hội nghị Trung ương 8, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng kiêm Bí thư Ban cán sự Đảng của Chính phủ CSVN, sẽ “trình bày báo cáo về tình hình đất nước để từ đó bàn bạc đánh giá và tìm giải pháp” nhưng theo ông Vĩnh, Đảng CSVN đã đề ra nhiều nghị quyết song không thực hiện được hoặc khi thực hiện thì làm ngược lại.


Trước hy vọng của nhiều người về việc Đảng CSVN sẽ tự tổ chức “cải cách chính trị” để không bị đào thải, nhân vật từng là Phó Ban Tổ chức của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN, khẳng định, Hội nghị Trung ương 8 sẽ “không bàn đổi mới chính trị”.


Ông Vĩnh không tin Hội nghị Trung ương 8 có thể tạo ra những tác động tích cực đến hiện trạng kinh tế – xã hội vốn đang càng ngày càng bi đát của Việt Nam. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT