Friday, April 19, 2024

Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc: Giậm chân tại chỗ

PHNOM PENH (NV) – Kỳ họp thượng đỉnh ASEAN và các đối tác ở thủ đô Phnom Penh của Cambodia cuối ngày 19 tháng 11, 2012 đã đẻ ra một bản Tuyên Bố Chung ASEAN-Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký Bản Tuyên Bố Ứng Xử (The Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea) gọi tắt là DOC.










Tổng Thống Mỹ Barack Obama (phải) và Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo (trái) đi dự kỳ họp Thượng Ðỉnh ASEAN lần thứ 7 ở Phnom Penh ngày 20 tháng 11, 2012. ASEAN dự trù tiến hành đàm phán để thực hiện khu mậu dịch tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn, Nam Hàn, Úc và Tân Tây Lan. (Hình: Tang Chhin Sothy/AFP/Getty Images)


Bản tuyên bố 9 điểm với những lời lẽ đao to búa lớn đầy “tin cậy lẫn nhau” vì “hòa bình và thịnh vượng” ở khu vực nhưng hoàn toàn sáo rỗng, không có gì mới. Cam kết mà không cam kết gì cả để các bên liên quan có thể tuyên bố kiểu nào theo ý mình cũng được.


Nội dung của nó hoàn toàn đúng theo hướng Bắc Kinh muốn với sự toa rập của Phnom Penh nhưng nhìn bề ngoài có vẻ như một sự kêu gọi kềm chế.


Sau lời tuyên bố bạo mồm của Thủ Tướng Cambodia Hun Sen hôm Chủ Nhật là ASEAN đã đạt được “đồng thuận” về cung cách giải quyết tranh chấp Biển Ðông. Nhưng ngày Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012, Philippines đã chính thức đưa một bản phản bác tới tất cả các phái đoàn tham dự hội nghị, coi hành động của ông Hun Sen là dối trá.


Bản Tuyên Bố Chung ASEAN-Trung Quốc ngày 19 tháng 11, 2012 ca tụng bản DOC ký 10 năm trước cũng ở Cambodia là “văn kiện nền tảng” xác định sự cam kết của tập thể ASEAN và Trung Quốc muốn “hòa bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau” trên Biển Ðông.


“Chúng tôi cũng công nhận việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả bản DOC sẽ góp phần tăng cường quan hệ và đối tác chiến lược giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở cả vùng Ðông Á Châu. Về mặt này, chúng tôi lập lại ước vọng nâng cao các điều kiện thuận lợi cho giải pháp hòa bình và lâu dài đối với các khác biệt và tranh chấp giữa các nước liên quan,” điểm số 4 của bản Tuyên Bố Chung viết.


Ðiểm số 6 của bản tuyên bố chung “tái khẳng định sự tôn trọng nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau dựa trên luật quốc tế và các nguyên tắc không chen vào vấn đề nội bộ của nhau.”


Ðiều 8 kêu gọi “tiếp tục thi hành hiệu quả và toàn thể bản DOC,” “tiến hành các dự án hợp tác gồm cả bảo đảm tự do thương mại, an toàn hàng hải đúng theo luật quốc tế gồm cả Công Ước Quốc Tế về Luật Biển UNCLOS.”


Ðồng thời kêu gọi các bên “tiếp tục tự kềm chế” đừng để các vụ tranh chấp leo thang và trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến hòa bình ổn định.


Bản tuyên bố chung kêu gọi “duy trì đà đối thoại và tham khảo lẫn nhau để nâng sự tin cậy, lòng tin và hợp tác, và cùng hợp tác để hoàn thành trên căn bản đồng thuận Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Ðông (Code of Conduct in the South China Sea)” gọi tắt là COC.


Trong tinh thần tuyên bố chung lờ mờ như vậy, tuy không được nước nào công nhận, Trung Quốc vẫn coi 80% Biển Ðông nằm trong cái “Lưỡi Bò” như ao nhà riêng của mình. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong đó bị họ coi là của Trung Quốc, bất chấp các lời tuyên bố chủ quyền của Việt Nam dựa trên những chứng cứ lịch sử cụ thể. Trung Quốc vẫn coi khu vực bãi đá Scarborough Shoal của Philippines (mà họ gọi là Hoàng Nham đảo) là của Bắc Kinh để lấy thế quân sự hùng mạnh nước lớn cướp đoạt.


Một số đảo nhỏ và bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị Trung Quốc xua tàu tới chiếm vào năm 1988. Trước đó đã cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 sau trận hải chiến với Hải Quân VNCH.


Những năm qua, tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đến gần khu vực quần đảo Hoàng Sa đều bị đâm chìm hoặc bắt giữ. Tháng 6, tháng 7 vừa qua, Trung Quốc tăng tốc xây dựng các cơ sở phục vụ quân sự ở đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa làm bản doanh cho Bộ Tư Lệnh trọn Biển Ðông mà họ gọi là “thành phố cấp huyện Tam Sa.”


Các tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam ngay trên vùng biển của mình nhưng nằm ở “Lưỡi Bò” đã bị Trung Quốc cản trở. Những hành động này liệu sẽ chấm dứt trong tương lai hay không? Lời lẽ trong Bản Tuyên Bố Chung ASEAN-Trung Quốc cho hiểu nó không hề bảo đảm gì.


Tổng Thống Mỹ Barack Obama đến tham dự hội nghị chỉ kêu gọi nhẹ nhàng các bên nên “kềm chế.”


Hãng thông tấn Reuters bình luận sự tham dự của ông Obama trong hội nghị chỉ có tính cách biểu tượng và ông không đạt được kết quả gì. Các nước Philippines và Việt Nam mong muốn có sự thảo luận cấp cao về một bộ COC cũng không thấy xảy ra.


Trong khi đó, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố một bản COC sẽ có khi các điều kiện đã “chín mùi” theo ý Bắc Kinh. Giới bình luận quốc tế hoài nghi COC không thể có nổi trong vòng một hay hai năm nữa. (TN)

MỚI CẬP NHẬT